Thời sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế

Thừa Thiên Huế

Đây là địa phương sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao lưu với đại biểu. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chiều 29/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là địa phương sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu dự cuộc làm việc.
 Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, kết quả rà soát sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2024 đạt 6,94%/năm; ở mức khá so với các tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định, có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,15%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 33,1%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 34.000 tỷ đồng, tăng gần 17%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước. Đặc biệt, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 4 triệu lượt khách.

Bên cạnh đó, đời sống của người dân được nâng cao; an sinh xã hội được quan tâm, nhất là ở địa bàn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. Lĩnh vực văn hóa - giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển; quốc phòng - an ninh được giữ vững…

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, với 6 nhóm chính sách đặc thù liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước đã góp phần tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ những lợi thế, đặc trưng của Thừa Thiên - Huế. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là cố đô, chứa đựng tinh hoa hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Tỉnh có truyền thống cách mạng vẻ vang; vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của miền Trung và cả nước; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh thời gian qua. Chúc mừng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên - Huế trong gần 30 năm qua.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thách thức lớn hiện nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, là thành phố trực thuộc Trung ương, Huế phải đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số đồng thời bảo tồn di sản văn hóa cố đô theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là Huế trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Về việc triển khai Nghị quyết 38/2021/QH15, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ vì sao đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng triển khai gặp nhiều khó khăn; đánh giá kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan; có quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng chưa quyết làm nên chưa có sản phẩm thuộc ngành nào, lĩnh vực nào...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương với tinh thần quyết liệt, bảo đảm bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ngoài những sở, ngành được sắp xếp, những sở, ngành không thuộc diện sắp xếp phải tinh gọn bộ máy bên trong, bảo đảm không cồng kềnh, biên chế không "phình" ra. Trong quá trình sắp xếp, làm tốt công tác tư tưởng, chính trị để cán bộ an tâm. Tới đây, Trung ương sẽ ban hành chế độ chính sách cho cán bộ sau sắp xếp; tăng cường cán bộ về cơ sở…

Nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy; có giải pháp quyết liệt để xử lý vấn đề trụ sở, tài sản không để lãng phí, bỏ hoang và giải quyết chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp.

Đại biểu dự cuộc làm việc. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Huế quan tâm thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kinh tế - xã hội; trong đó chú ý bảo tồn văn hóa cố đô trong quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), một luật sửa 4 luật về đầu tư, một luật sửa 9 luật về tài chính, ngân sách và quyết sách nhiều cơ chế kịp thời tháo gỡ khó khăn cho kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an ninh - quốc phòng và nâng cao đời sống của nhân dân. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND thành phố Huế chủ động ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai, chủ động, đi tắt đón đầu nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… Đồng thời, Huế đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; giữ vững an ninh - quốc phòng; trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Cho biết Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025; thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy với kinh phí trên 22.000 tỷ đồng…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu địa phương quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách này.

Đặc biệt, Huế cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo… Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Huế tận dụng các chính sách mang tính chiến lược này, bắt nhịp được sự chuyển đổi lớn, phát triển mới của đất nước hiện nay./.

Phan Thu Phương

Tin liên quan

Xem thêm