Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chủ trương bán vé vào tham quan phố cổ không phải để tận thu mà xuất phát từ yêu cầu bảo tồn di sản.
TTXVN - Những ngày gần đây, việc chính quyền thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ áp dụng việc bán vé vào tham quan phố cổ thu hút sự quan tâm của dư luận. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn để cung cấp thông tin đa chiều về chủ trương này của thành phố nhằm mục tiêu bảo tồn di sản một cách tốt nhất.
* Kiểm soát vé tham quan phố cổ xuất phát từ mục đích bảo tồn
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc tổ chức bán vé tham quan di sản của thành phố Hội An đã thực hiện từ năm 1995 tới nay theo nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Giai đoạn những năm 1995, thành phố thực hiện theo Pháp lệnh 14 (Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN7 của Hội đồng Nhà nước: Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh). Hiện nay, địa phương thực hiện theo tinh thần của Luật Di sản, Luật Du lịch cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu. Mức thu 80.000 đồng/người đối với khách tham quan trong nước và 120.000 đồng/người đối với khách nước ngoài khi vào tham quan khu phố cổ Hội An đã được thực hiện từ năm 2012 đến nay. Đây là mức thu thấp nhất trong các Khu Di sản của Việt Nam.
Tất cả 8 Di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận đều thực hiện việc bán vé tham quan, đây là hoạt động bình thường, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định, việc một số thông tin gần đây cho rằng thành phố xây dựng kế hoạch dựng barie để tận thu đối với tất cả những người vào phố cổ Hội An là không chính xác. Trước hết, chủ trương này không phải để tận thu mà xuất phát từ yêu cầu bảo tồn di sản. Hội An là Di sản văn hóa, là đô thị cổ xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII, được các thế hệ cha ông giữ gìn và trao truyền đến hôm nay, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Do đó bảo tồn, gìn giữ di sản này không phải là trách nhiệm của người dân, chính quyền thành phố Hội An mà còn là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Do đó việc đặt ra vấn đề kiểm soát vé vào tham quan phố cổ không phải tận thu, vấn đề chính đó là hiện nay phố cổ Hội An đã trở nên quá chật hẹp. Phố cổ Hội An gần 1 km2 trên tổng số 64 km2 của thành phố. Có những thời điểm khu phố cổ ngập tràn du khách, trong đó, nhiều khách không mua vé tham quan. Do đó, di tích đang có dấu hiệu quá tải về hạ tầng, khả năng phục vụ. Vì vậy, việc đề ra chủ trương kiểm soát vé tham quan phố cổ xuất phát từ mục đích bảo tồn. Chúng ta phải bảo tồn tốt rồi mới nghĩ đến chuyện khai thác, phát huy giá trị di sản, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
* Tạo sự công bằng cho du khách và doanh nghiệp
Trước những băn khoăn của không ít người dân về việc tổ chức bán vé tham quan di sản của thành phố Hội An, Chủ tịch UBND thành phố Hội An thông tin, thành phố đang bàn kế hoạch và còn nhiều bước phải thực hiện như, lấy ý kiến của nhân dân trong khu phố cổ vì họ là chủ nhân của di sản. Để thực hiện chủ trương này, trước hết, thành phố sẽ họp với tất cả người dân trong khu phố cổ, kể cả cơ sở sản xuất kinh doanh để lấy ý kiến. Nếu người dân đồng thuận cao, thành phố mới triển khai thực hiện. Sau đó, thành phố lấy ý kiến của các công ty lữ hành là những đơn vị đưa khách đến tham quan. Thành phố lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh, sửa đổi phương án cho hợp lý khi triển khai thực hiện...
Chủ tịch UBND thành phố Hội An nhấn mạnh, việc tổ chức bán vé nhằm đảm bảo công bằng cho người mua vé và người không mua vé khi vào tham quan phố cổ cũng như tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp làm ăn chân chính và doanh nghiệp cố tình đưa khách tham quan chui.
Thành phố Hội An không có chủ trương bắt buộc tất cả mọi người vào phố cổ phải mua vé. Những người không phải mua vé gồm: Người dân thành phố khi ra vào phố cổ; người đến Hội An để làm việc trong khu vực phố cổ hoặc buôn bán kinh doanh...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An, thành phố chỉ tập trung bán vé cho những đoàn khách có chương trình tham quan nhưng phần lớn lưu trú tại Đà Nẵng. Những đoàn du khách này, hằng ngày ở Đà Nẵng, đến khoảng từ 15 giờ đến 21 giờ được các đơn vị lữa hành đưa vào tham quan và thả khách đi tự do mà không có thuyết minh, không có hướng dẫn, làm cho hiểu biết về Hội An trở nên lệch lạc, làm cho phố cổ trở nên quá tải, không đảm bảo sự công bằng cho người mua vé.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, hiện nay, thành phố đang thực hiện việc mở rộng không gian đi bộ ra tuyến phố Phan Chu Trinh, tăng thêm các sản phẩm trong khu phố để phục vụ du khách. Tất cả các công việc chuẩn bị đang được thành phố Hội An khẩn trương tiến hành. Trong quá trình thực hiện việc kiểm soát vé vào tham quan phố cổ, thành phố khẳng định sẽ hết sức mềm dẻo, linh hoạt. Nếu có phát sinh vấn đề vướng mắc sẽ điều chỉnh kịp thời. Lãnh đạo thành phố Hội An luôn luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng, ý kiến của người dân, ý kiến của khách tham quan, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, bổ sung hoàn chỉnh để phương án được triển khai một cách tốt nhất.
Thành phố Hội An đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp khác nhau trong công tác bảo tồn di sản quý giá này. Cụ thể, ngành chức năng sẽ phối hợp với đơn vị lữ hành đưa khách tham quan lệch nhau giữa các giờ trong ngày để phố cổ không bị quá tải trong những thời điểm nhất định.
Giải pháp kiểm soát vé vào tham quan phố cổ rất cần thiết, bởi lẽ có những người vào phố cổ chỉ để tham gia hoạt động ẩm thực thì không cần mua vé và không nên đi vào khung giờ cao điểm từ 15 - 21 giờ hằng ngày. Những giờ cao điểm nên dành cho khách tham quan các đoàn. Làm được điều này, thành phố sẽ tăng cường được các biện pháp kiểm soát hoạt động hướng dẫn tham quan, giới thiệu, thuyết minh về di sản, giúp du khách có nhu cầu tham quan thực sự, có mua vé sẽ được trải nghiệm đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của phố cổ Hội An, tránh cho di sản bị quá tải và xuống cấp./.