Quốc hội với Cử tri

Cử tri đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ: Thẳng thắn, không né tránh

Tuyên Quang

Đa số cử tri đồng tình, nhất trí với báo cáo của Chính phủ và nhận thấy đây là báo cáo đầy đủ, thẳng thắn và không né tránh.

Toàn cảnh phiên họp. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

)Chiều 27/10, theo dõi phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đa số cử tri tỉnh Tuyên Quang đồng tình, nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và nhận thấy đây là báo cáo đầy đủ, thẳng thắn và không né tránh.

Theo cử tri Đỗ Thị Thu Hương (phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang), báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 thể hiện rõ mức tăng trưởng kinh tế đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5%; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, kiểm soát được lạm phát, chính trị-xã hội ổn định, công tác hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính vẫn được coi là một đột phá chiến lược quan trọng.

Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật, tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

 Về các giải pháp của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội, giải quyết những vướng mắc, hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cử tri Đỗ Đức Thắng (phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục thanh quyết toán, các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.

Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; đảm bảo tính thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất...

 Cùng với đó, Chính phủ cần chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục triển khai có hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xử lý nghiêm các vi phạm...* Cử tri Đà Nẵng quan tâm vấn đề y tế và giáo dục

Chiều 27/10, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Qua theo dõi phiên thảo luận, nhiều cử tri tại thành phố Đà Nẵng đã có những đánh giá tích cực về kỳ họp, bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ những kết quả đạt được trong năm và các nội dung đại biểu thảo luận tại kỳ họp.

Theo dõi phiên họp được truyền hình trực tiếp, bà Lê Thị Đào Liễu, đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng ở quận Hải Châu (Đà Nẵng), người đã từng công tác trong ngành y tế cho biết, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên được nhiều vấn đề nóng, dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua như xử lý môi trường, y tế, giáo dục, vấn đề về tiền lương…

Theo bà Liễu, tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đi thẳng vào vấn đề thảo luận, nêu các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các Bộ trưởng cũng đã có những trao đổi với đại biểu, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp với Chính phủ và để người dân được hiểu rõ hơn, yên tâm, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bà Liễu cũng cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục, y tế và văn hóa, các vấn đề cấp thiết hiện nay.

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đảng viên Huyền Sâm ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho rằng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những giải trình về tình trạng thiếu giáo viên và làm rõ được các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đi sâu phân tích các nguyên nhân của tình trạng này. Bộ trưởng cũng đã đưa ra các chính sách, giải pháp trong thời gian tới như vừa qua Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu giáo viên và sẽ tuyển dần từ nay cho đến năm 2026. Theo chị Huyền Sâm, trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục bàn thảo để có giải pháp và dành sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên./.

Quang Cường, Lê Lâm