Giáo dục

Đại học Đà Nẵng phấn đấu trở thành trụ cột trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Đà Nẵng

Ngày 23/7, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác đã làm việc với Đại học Đà Nẵng về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường và công tác tri thức.

Quang cảnh buổi làm việc. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Đại học Đà nẵng cho biết, đơn vị là Đại học vùng trọng điểm của quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành, đa cấp độ quản lý với 6 đại học thành viên. Về thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-TW và Nghị quyết số 57/NQ-TW, Đại học Đà Nẵng đã triển khai Quỹ phát triển Khoa học công nghệ với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu có tính ứng dụng và tiềm năng thương mại hóa. Các đơn vị thành viên còn ban hành nhiều chính sách khen thưởng riêng góp phần tạo động lực cho giảng viên và các nhà nghiên cứu trong việc công bố quốc tế.

Đến cuối năm 2024, Đại học Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng với hơn 1.616 giảng viên; có 40 nhóm nghiên cứu - giảng dạy với các lĩnh vực bao phủ rộng như, kỹ thuật công nghệ cao, khoa học cơ bản, kinh tế và khoa học xã hội nhân văn. Trong đó, một số nhóm nghiên cứu tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số, AI, phát triển bền vững năng lượng tái tạo, môi trường, vật liệu mới.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, nhờ chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư hiệu quả, năm 2024, đơn vị công bố 1.715 công trình khoa học, với 577 công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín; 42 bằng sở hữu trí tuệ; triển khai 242 đề tài các cấp về khoa học công nghệ với tổng kinh phí huy động đạt gần 40 tỷ đồng. Đơn vị tổ chức hơn 25 hội thảo khoa học quốc tế uy tín và đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua việc tư vấn, phản biện chính sách, kết nối nguồn lực tri thức với các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đại diện các Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng nêu đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Về hợp tác nghiên cứu, Đại học Đà Nẵng tập trung vào 4 định hướng lớn: “Nâng cao chất lượng đầu vào qua liên kết với các trường phổ thông”, “Gắn kết đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp”, “Tăng cường hợp tác quốc tế” và “Phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành và địa phương trong xây dựng, phản biện chính sách”. Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn như, Fujikin, FPT, COGNEX, Synopsys đã tài trợ phòng thí nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ và tư vấn, đạt gần 100 tỷ đồng. Nhà trường có hơn 230 phòng thí nghiệm, 6 nhà đa năng nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu bao quát nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu. Các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu liên tục được hiện đại hóa thông qua các chương trình đầu tư trọng điểm, đầu tư chiều sâu, dự án vốn vay ODA và chương trình hợp tác quốc tế.

Hàng năm, các nhà khoa học của Đại học Đà Nẵng chiếm đến hơn 70% tổng số nhà khoa học của toàn thành phố được khen thưởng vì có nhiều công trình và sáng chế tiêu biểu. Sinh viên liên tục đạt được các giải thưởng cao tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nổi bật các dự án khởi nghiệp: Công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải; sản phẩm mực thực vật BINKS; Dự án thiết bị IoT tích hợp LoRaWAN quản lý chất lượng điện năng theo thời gian thực cho nhà máy; Dự án chế biến thực phẩm vi sinh học COPEPODS) và nhiều giải thưởng danh giá như, Quả Cầu Vàng, Phụ nữ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo…

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương làm việc với Đại học Đà Nẵng. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho đại học vùng, trong đó, được tự chủ sâu rộng về tài chính, tổ chức bộ máy, chính sách nhân sự và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo mô hình đại học quốc gia; ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ lõi AI, chip bán dẫn, năng lượng xanh, hạ tầng số và trung tâm dữ liệu quốc gia khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng dành nguồn hỗ trợ ban đầu về kinh phí, trang thiết bị vật tư thí nghiệm, cấp tài khoản khai thác cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế nhất là ưu tiên đề tài trong ngành, lĩnh vực mũi nhọn; có cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi liên quan đến xuất, nhập cảnh và cấp thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của Đại học Đà Nẵng trong triển khai Nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xây dựng đội ngũ tri thức trong tình hình mới. Đây không chỉ là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực mà còn là trụ cột nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của khu vực và cả nước. Ông đề nghị, các cơ quan chuyên môn tiếp thu ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ phía Đại học và thành phố Đà Nẵng; tìm hiểu mô hình tốt, cách làm hay để tổng hợp, nhân rộng trong quá trình triển khai Nghị quyết ở đơn vị, địa phương. Từ đó, các bên liên quan làm rõ định hướng và phương thức công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận, đồng lòng trong đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, người học về vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Nguyễn Khoa Chương

Tin liên quan

Xem thêm