Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức, đưa đất nước bứt phá
Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận không những thực hiện tốt 5 chương trình hành động mà còn bảo đảm cả các nhiệm vụ phát sinh, chưa từng có tiền lệ.
Tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, chiều 17/10, các đại biểu làm việc tại 5 trung tâm thảo luận của Đại hội, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm.
Chủ trì Trung tâm thảo luận số 1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa IX) Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung gồm: Về tiêu đề của Báo cáo chính trị, phương châm của Đại hội; đánh giá, bổ sung tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phân tích, đánh giá để bổ sung, nhấn mạnh hơn những kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ 2024 - 2029; những thách thức và vấn đề đặt ra đối với việc tập hợp, phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các đại biểu thảo luận về phương hướng, mục tiêu, 10 chỉ tiêu, 6 chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ tới; trong đó đi sâu vào các nội dung của chương trình 4 “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Các ý kiến đã đề xuất những nội dung nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, kiến nghị những nội dung nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2024-2029 là nhiệm kỳ nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, Mặt trận không những thực hiện tốt 5 chương trình hành động mà còn bảo đảm cả các nhiệm vụ phát sinh, chưa từng có tiền lệ.
Đóng góp vào văn kiện Đại hội, ông Nguyễn Túc đề nghị, dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh kết quả của việc kêu gọi, ủng hộ phòng, chống đại dịch COVID-19, Đề án vận động hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; nêu rõ những hạn chế trong việc nắm bắt tình hình một số lúc, một số việc chưa kịp thời trong nhiệm kỳ, đồng thời phải quán triệt bài học "lấy dân làm gốc" trong công tác Mặt trận.
Bày tỏ niềm vinh dự khi được về dự Đại hội, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp quan điểm: Xây dựng đất nước phải bắt nguồn từ phát triển khoa học công nghệ, trong đó đáng chú ý nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, cần biến khoa học công nghệ trở thành đòn bẩy để lấy đó làm nền tảng đưa đất nước đi lên.
"Để làm được điều đó cần huy động sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước để đồng hành cùng với sự phát triển đất nước. Mặt trận cần thể hiện được là nơi tập hợp nhân tài, trí tuệ của quốc gia, nỗ lực đóng góp, xây dựng, đưa đất nước bứt phá... Rất mong những báo cáo của Mặt trận không chỉ là các phong trào mà phải toát lên tầm cao trí tuệ của Việt Nam, huy động sự tham gia và tiếng nói của các trí thức với vai trò tiên phong, dẫn dắt", ông Nguyễn Đình Đức nói.
Đóng góp ý kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, ông Trần Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần phát huy sức mạnh nội lực của người dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư cũng như vai trò nòng cốt của Ban Công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội ở khu dân cư trong việc chủ động nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, từ đó nhân điển hình ra diện rộng và mạnh dạn xây dựng mô hình mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện, sự phát triển của từng địa phương. Những hoạt động thiết thực này sẽ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân, rút ngắn khoảng cách trên tất cả các mặt trong đời sống xã hội giữa người dân thành thị và nông thôn.
Ngoài ra, hằng năm Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đăng ký và đảm nhận xây dựng hoặc nhân rộng ít nhất là một mô hình tự quản cộng đồng; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt - việc tốt, những cách làm hay, cách làm mới trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục, làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, để họ có ý thức cố gắng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng./.