Theo Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam đang rất hứa hẹn về mọi mặt - chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân.
TTXVN - Nhân dịp năm mới Quý Mão, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những triển vọng hợp tác trong năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.
Bày tỏ cảm nhận rằng các nhà đầu tư Thái Lan đang quan tâm hơn đến Việt Nam, Đại sứ Nikorndej Balankura đánh giá cao việc Việt Nam đã kiểm soát đại dịch rất hiệu quả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Khi hầu hết các nước trên thế giới đang trì trệ thì Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, đạt hơn 8% trong năm 2022, nổi bật là trong quý III Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 13,67%.
Theo Đại sứ Nikorndej Balankura, đây là điều rất đáng khen ngợi, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và Việt Nam đặt ra mục tiêu mới là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Những thành tựu này đều giúp Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Thái Lan.
Ông Nikorndej cho rằng trong năm 2023 vẫn sẽ có nhiều “cơn gió ngược” có thể làm nền kinh tế thế giới phát triển chậm lại. Theo đó, toàn cầu vẫn phải đối mặt với suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn dự báo rằng Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan và Việt Nam, sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực.
“Tôi tin tưởng rằng với những lý do mà tôi đã đề cập bên trên, Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng, thậm chí cao hơn so với các quốc gia khác, và ít nhiều sẽ được bảo vệ tốt trước những gián đoạn kinh tế toàn cầu do suy thoái gây ra,” Đại sứ khẳng định.
“Xét về thương mại và đầu tư song phương, Thái Lan hiện đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam. Và tôi có thể thấy trước sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư Thái Lan đến Việt Nam, cũng như chính sách kinh tế Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi hy vọng rằng Thái Lan sẽ đứng trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong tương lai rất gần,” ông Nikorndej nói thêm.
Đánh giá về việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Đại sứ Nikorndej nhận định trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất thành công trong vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và làm tốt vai trò đại diện cho khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
“Tôi cho rằng việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền là điều đáng mừng và rất xứng đáng. Việt Nam là một ứng cử viên của ASEAN nên việc ứng cử của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cả ASEAN và tất nhiên là cả Thái Lan,” Đại sứ Nikorndej bày tỏ.
Theo Đại sứ, đặc biệt, đây lại là lần thứ hai Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, sau lần đầu tiên vào nhiệm kỳ 2014-2016. Vì vậy, điều này càng thể hiện rõ nét hơn sự thành công của Việt Nam. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền sẽ củng cố thành tích của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Còn Thái Lan cũng sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2025-2027, sau khi đã là thành viên của hội đồng nhiệm kỳ 2010-2013.
Về quan hệ song phương giữa hai nước, Đại sứ Nikorndej nhấn mạnh Việt Nam và Thái Lan kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược vào năm 2023, nhưng quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên thành Đối tác chiến lược tăng cường. Quan hệ đối tác chiến lược tăng cường là một quan hệ đặc biệt mà chỉ có Thái Lan và Việt Nam có được trong ASEAN.
“Đây là mối quan hệ gắn bó giữa hai nước láng giềng, anh em. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một mối quan hệ rất đặc biệt. Và những gì chúng ta đã đạt được trong 10 năm qua là không thể đếm xuể,” Đại sứ Nikorndej khẳng định.
Theo Đại sứ, về mặt chính trị, hai nước đã thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và trao đổi. Về mặt kinh tế, trong 10 năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển vượt bậc. Thái Lan, đã trở thành một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore trong số các nước ASEAN.
“Và như tôi đã đề cập, với chính sách kinh tế cởi mở hơn rất nhiều, và với mục tiêu của Việt Nam trong việc đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tôi cho rằng các nhà đầu tư Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẽ đến đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam,” Đại sứ nói.
“Về tương tác giữa người dân hai nước, chúng ta đã thúc đẩy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa người dân hai nước. Và tôi thấy mối quan hệ này sẽ còn được thắt chặt hơn nữa vì ngày nay, sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Thái Lan và người Việt Nam đã được tăng cường rất nhiều về mặt về văn hóa, ngôn ngữ, phim ảnh và âm nhạc,” ông Nikorndej nói thêm.
Đại sứ cho biết ngay sau đại dịch, 400.000 người Việt Nam đã đến Thái Lan, trong khi khoảng 50.000 người Thái đã du lịch Việt Nam. Con số này đang tăng lên, tương đương với số lượng chuyến bay giữa hai nước. Hiện nay, mỗi ngày có đến vài chuyến giữa hai nước, và tất cả các chuyến bay đều kín chỗ. Vì vậy, hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam đang rất hứa hẹn về mọi mặt - chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân.
Theo ông Nikorndej, năm 2023 là một cột mốc quan trọng đối với quan hệ Thái Lan - Việt Nam. Vào tháng 3/2023, Đại sứ quán Thái Lan dự kiến tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan cùng với việc củng cố quan hệ hai nước một cách toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.
“Do Việt Nam đã vượt qua COVID-19 và đang hoàn toàn trở lại bình thường, và hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, vì vậy từ Tết trở đi, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một loạt hoạt động và sẽ cùng nhau trải qua một năm sôi động,” ông Nikorndej nói.
Chia sẻ cảm nhận thế nào về không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam, Đại sứ Nikorndej nhận xét Tết Việt Nam thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và xã hội hiện đại, và đây là thời gian rất đặc biệt trong năm với không khí rất phấn khởi. Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều điểm tương đồng trong cách ăn mừng năm mới. Năm mới của người Thái gọi là Songkran thường được tổ chức vào tháng 4, cũng là thời điểm trong năm để tỏ lòng kính trọng với những người lớn tuổi, là lúc nghỉ ngơi và gặp gỡ bạn bè.
“Vì vậy, tôi cho rằng năm mới truyền thống của cả hai nước đều phản ánh văn hóa đặc trưng của mỗi nước. Đặc biệt, cả người Việt Nam và Thái Lan thường đi thăm họ hàng và đi lễ chùa vào dịp năm mới. Trong dịp này, gia đình, họ hàng thường tụ họp gặp gỡ, và ngay cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ bay về đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam. Người Thái cũng vậy, chúng tôi thường trở về nhà trong Lễ hội Songkran,” Đại sứ Nikorndej nói./.