Đến Paris từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước nhà ở thế kỷ XX, bà Dương Thị Duyên, nữ nhà báo Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của một chiến sỹ thông tin.
TTXVN - Ở tuổi 39, bà xuất hiện tại nơi được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" của nước Pháp với tà áo dài thướt tha, mái tóc dài kẹp vểnh lên từ hai bên mai – kiểu kẹp tóc quen thuộc của phụ nữ Thủ đô nước Việt, để lộ gương mặt thông minh, thanh tú, phong thái điềm tĩnh, dịu dàng mà kiên nghị.
* Nữ chiến sỹ thông tin trong "Đoàn 37".
Nhà báo Bùi Ngọc Hải, nguyên Trưởng ban Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được biết bà Duyên từ những năm 70, khi ông còn ở tuổi đôi mươi, tốt nghiệp khoa Truyền thông - Báo chí từ Cu Ba về và làm việc trong đơn vị bà phụ trách. Ông nói về bà với niềm kính trọng, ngưỡng mộ: "Bà Duyên là nhà báo giỏi, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và luôn được giao phụ trách những công việc quan trọng, khó khăn nhất của cơ quan".
Năm 1968, bà Duyên là một trong 37 thành viên trong Đoàn cán bộ tiền trạm của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mang bí số "Đoàn 37", đến Paris từ đầu tháng 5. Sinh thời, trong một bài viết, bà Duyên cho biết: Đoàn gồm 37 anh chị em làm công tác nghiên cứu, báo chí, lễ tân, hậu cần, bảo vệ, điện vụ... Trong đoàn có đồng chí Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân là Người phát ngôn của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này. VNTTX có Phó Tổng biên tập Lê Chân, bà Duyên và ông Đỗ Chuyên (Phòng Tin Thế giới) là những nhà báo đầu tiên từ Việt Nam sang dự Hội nghị. Sau còn có một số phóng viên Báo Nhân Dân và các báo khác sang, trong đó có đồng chí Văn Lượng (phóng viên ảnh - VNTTX) và các đồng chí Vũ Ngọc Bội, Quách Thị Ngà (Điện báo viên)...
Được biết, tập thể 37 thành viên này được cấp trên lựa chọn cẩn trọng về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn.
Riêng bà Duyên, vốn là một trong bốn người con gái tài danh của Nhà giáo –Liệt sỹ chống Pháp Dương Quảng Hàm. Hai chị của bà là Dương Thị Thoa, người được chọn kéo cờ đỏ sao vàng trên Lễ đài của Quảng trường Ba Đình trong Ngày thành lập nước 2/9/1945 và Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa đông năm 1946. Em gái bà là Dương Thị Cương, Giáo sư, Viện trưởng Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (nay là Bệnh Viện Phụ sản Trung ương) giai đoạn 1988-1998. Các anh, em trai của bà đều tham gia kháng chiến và có những cống hiến xứng đáng cho Cách mạng. Chồng bà là Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng. Năm 1968, khi bà đi "chiến đấu" tại Hội nghị Paris, ông đang giữ trách nhiệm Chính ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự).
Trước khi tham gia Đoàn 37, bà Duyên đã trải qua 25 năm tham gia cách mạng, bắt đầu từ việc chép tài liệu bí mật, làm liên lạc đem thư từ, tài liệu Việt Minh đến các cơ sở trong thị xã Hưng Yên, nơi Trường trung học Đồng Khánh từ phố Hàng Bài (Hà Nội) tản cư về. Cũng vào năm 1968, bà Duyên đã có 20 năm tuổi Đảng, 19 năm trau dồi nghiệp vụ tại Đài Tiếng nói Việt Nam và VNTTX.
Ông Bùi Ngọc Hải nói thêm: "Tại VNTTX, bà Duyên là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của Phòng Tin Miền Nam, đơn vị thông tin được thành lập do nhu cầu phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam từ cuối những năm 50. Tại đây, bà cùng các anh, chị em trong đơn vị cho ra đời Bản tin Nhanh, Bản tin Đặc biệt, cung cấp nhanh và kịp thời tình hình miền Nam và quốc tế, giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược... Sau này, ở cương vị Trưởng ban Tin Thế giới, bà cùng anh chị em trong đơn vị tiếp tục cho ra đời Bản tin Tài liệu Tham khảo đặc biệt...".
Có bề dày kinh nghiệm nghiệp vụ cộng với lòng nhiệt thành và sự tận tụy trong công việc, tại Paris, bà Duyên đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ "kép" do Trưởng đoàn Xuân Thủy giao: Làm tốt nhiệm vụ một nhà báo trong hoạt động đối ngoại nhà nước, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân. Với lợi thế về tiếng Pháp và khả năng thuyết trình trước đông người, bà được giao nhiệm vụ tiếp các đoàn quần chúng, các phóng viên báo, vận động kiều bào ta cùng nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Bà còn tham dự nhiều cuộc hội họp, mít tinh nhân dân ở các vùng, miền của nước Pháp và một số nước lân cận như Italia, Bỉ, Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức…; gặp và trò chuyện với không ít nhân vật nổi tiếng, như bà Caselli Dalila, Thư ký của Bác Hồ tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946; bác sĩ Mỹ Benjamin Spock, nữ nghệ sỹ Mỹ Jane Fonda... Thông qua hoạt động thực tế tại các địa phương, bà có thêm thông tin, làm tin phổ biến, tin tham khảo hằng ngày cho VNTTX, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu của Đoàn. Ứng xử linh hoạt, chuyên nghiệp, bà đã tranh thủ được cảm tình của nhiều phóng viên quốc tế, có quan hệ gần gũi, tin cậy, tìm cơ hội khai thác thông tin từ phía họ nhưng rất thận trọng không để lộ bí mật của Đoàn.
Trong một bài viết sau này, bà cho biết: "Hội nghị Paris về Việt Nam lúc đó là một tiêu điểm chú ý của dư luận, các nhà báo đổ về rất đông, nhiều nhất là nhà báo Mỹ và phương Tây. Chúng tôi chia nhau đi gặp gỡ họ, vừa để giải thích thêm lập trường, quan điểm của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, vừa để nắm thêm tình hình, tin tức báo cáo cho lãnh đạo Đoàn..."
50 năm đã qua nhưng cơ quan và gia đình còn lưu được nhiều bức ảnh ghi lại chân dung, hình ảnh bà tại các cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam của nhân dân Pháp vào những năm 1968, 1969; giao lưu cùng các nhà báo quốc tế hoặc giới trí thức tại một ngôi trường ở Paris vào những năm 1970...
Đặc biệt, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn lưu tấm ảnh "'Đội quân tóc dài' của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhân dân" có bà cùng nhiều thành viên nữ khác đứng sát cánh, kề bên nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị... Đó là minh chứng sinh động cho chuỗi thời gian hoạt động sôi nổi, phong phú của một nữ phóng viên Thông tấn trong hoạt động ngoại giao nhân dân.
* Người mẹ tận tụy, hết lòng vì công việc
Cô Đặng Ngọc Lan, con gái bà Duyên, nguyên Trưởng phòng Tài liệu Tham khảo đặc biệt của Ban tin Thế giới - TTXVN, kể lại: Trong tâm trí cô, mẹ luôn là người nghiêm túc, tận tụy, hết lòng vì công việc. Trong hai năm mẹ ở Paris, anh trai cô là Đặng Quốc Trung đang học trường Nguyễn Văn Trỗi sơ tán ở Quế Lâm, Trung Quốc. Còn cô đang theo học tại Trường Tiểu học Vân Hồ của Hà Nội đi sơ tán. Mẹ ở xa, nhà chỉ có bố thỉnh thoảng từ đơn vị về ghé thăm. Chắc là bố thương hai con lắm nhưng thường bố chỉ động viên bằng câu: "Khi nào đàm phán xong thì mẹ được về" hoặc là: "Khi nào chống Mỹ thành công, mẹ sẽ về"... Thâm tâm cô hiểu rằng mẹ phải dành hầu hết thời gian cho công việc. Khi mẹ từ Paris về nước rồi và cả trong dịp B52 của Mỹ ném bom phá hoại Thủ đô, cơ quan chia kíp làm việc cả ở Hà Nội và nơi sơ tán, nhưng riêng mẹ luôn làm việc tại Tổng xã, gửi các con cho các cô, chú nơi sơ tán. Cô mường tượng mỗi sáng chủ nhật, mẹ tất tả đạp xe đến ga tàu hỏa, đưa xe lên tàu rồi lại vội vã xuống tàu, gắng đạp xe nhanh đến nơi sơ tán của con. Mẹ chỉ ở lại chơi với con được ít tiếng đồng hồ lại phải về. Suốt nhiều năm, trong cô luôn thường trực nỗi nhớ mẹ, một nỗi nhớ bồn chồn, sâu thẳm, day dứt, nhưng cô biết tự nhủ là mẹ rất bận nên ngoài giờ học cô chỉ chăm chăm ngóng thư để biết tình hình của mẹ qua những lá thư đầy tình cảm mẹ gửi về. Đó là những bức thư được viết trong khoảng thời gian giữa các dấu mốc quan trọng của Hội nghị Paris.
Trong lá thư đầu tiên ngày 17/5/1968 tức 12 ngày sau khi "Đoàn 37" lên đường, mẹ viết cho anh Quốc Trung: "Mẹ đã sang Pháp từ 10 hôm nay và đang ở Paris - Thủ đô nước Pháp để theo dõi, viết tin về cuộc gặp gỡ giữa đại diện Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Mỹ. Hôm 5/5, mẹ đã qua Trung Quốc, đi máy bay nên không thăm con được, rất nhớ con. Khi trở về, nếu có dịp mẹ sẽ thăm con, nhưng lần này không khẳng định được ngày về (khác với lần đi Đan Mạch năm ngoái) nên con đừng mong vội nhé... Con viết thư thăm em nhé, mẹ đi công tác xa nó buồn đấy. Con động viên em, nói cho nó hiểu gia đình ta phải tạm thời phân tán mỗi người mỗi ngả, nhưng chẳng bao lâu nữa đánh thắng Mỹ rồi cả nhà sum họp thì lại càng vui. Con cố gắng học giỏi, lao động tốt cho mẹ vui lòng nhé...".
Trong thư gửi ngày 25/6/1969, tức nửa tháng sau sự kiện đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam..., mẹ viết: "Trung và Lan yêu quý của mẹ. Sáng sớm mai mẹ trở về Paris công tác, mẹ lại tranh thủ viết thư cho các con để các bác về Hà Nội mang về giúp. Mẹ họp hội nghị kết quả tốt lắm, các con đọc báo chắc cũng thấy Bản nghị quyết của Đại hội Hòa bình thế giới hoàn toàn ủng hộ Việt Nam ta. Nhưng cố nhiên đế quốc Mỹ tuy đã bị thua đau tại Việt Nam và bị thế giới lên án, vẫn ngoan cố chưa chịu rút quân ngay. Cả nước mình còn phải tiếp tục chiến đấu, mẹ cũng còn phải ở lại Paris để làm nhiệm vụ, mẹ chưa thể về ngay được, các con đừng buồn nhé. Mẹ rất nhớ các con và muốn được về ở với các con nhưng mẹ nghĩ cách tốt nhất để sớm được trở về là cố gắng công tác thật tốt, góp hết sức mình để công việc chung được hoàn thành thắng lợi. Mẹ muốn các con cũng thi đua học tập và lao động thật tốt, các con sẽ báo cáo cho mẹ".
Lá thư mẹ viết ngày 3/5/1970, khi có quyết định của bác Xuân Thủy cho ba phụ nữ trong Đoàn 37 được thay quân: "Các con yêu quý của mẹ. Như thư trước mẹ đã báo tin, mùa hè này, mẹ sẽ được về nước. Có thể là cuối tháng 6 mẹ sẽ lên đường về và sẽ được công tác ở nhà hẳn. Như vậy là mẹ lại được ở với các con, gia đình ta lại sum họp, vui quá các con nhỉ... Mẹ vẫn khỏe, thỉnh thoảng lại đi công tác xuống các tỉnh. Mẹ gửi cho các con ảnh chụp hôm đi Dunkerque lấy tư liệu về Bác Hồ. Khí hậu Paris bắt đầu ấm rồi, mấy hôm nay đã là mùa xuân, cây cối lại xanh um tất cả. Đến mùa hè mẹ sẽ về với các con". Bức thư nhận trùng dịp anh Quốc Trung đang ở trường Nguyễn Văn Trỗi bị ốm và khác với hẹn trong thư, vì phải chờ có người sang thay, cuối tháng 8, mẹ mới về.
Cả những năm tháng đằng đẵng thương nhớ hai con, nhưng bà Duyên luôn dồn công sức, tâm trí cho công việc chung. Đến tuổi nghỉ hưu, lên chức ông bà, bà mới có điều kiện thực hiện trọn vẹn nguyện vọng theo thiên chức của người phụ nữ. May thay, bà không bị phụ công chăm bẵm, nuôi dạy hai đứa cháu, một trai, một gái. Nay bà đã đi xa nhưng cháu trai của bà Đặng Hoàng Vũ, Tiến sỹ Đại học danh tiếng Cambridge của nước Anh, sau 12 năm làm việc tại Anh vừa quyết định về nước, mong góp phần vào hoạt động AI (trí tuệ nhân tạo) của Việt Nam. Còn cháu gái bà là Thạc sỹ ngành Xã hội học./.