Thời sự

Đào tạo báo chí - truyền thông trước yêu cầu chuyển đổi số

Chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh dự và chủ trì hội thảo.
Ảnh: Mai Nghiêm/TTXVN

Chiều 5/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng chuyên ngành, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những thách thức mới đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc chậm được đổi mới về phương pháp, việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí, truyền thông còn nhiều bất cập, thiếu thốn...

Quang cảnh Hội thảo
Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông; các nhà hoạt động chuyên môn về công tác báo chí - truyền thông tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thảo luận, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra rất nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam, trong đó: “70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số"…

“Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là trang bị thật nhiều công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, mà cốt là phải thay đổi từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số, ở tất cả các khu vực khác nhau trong một cơ quan báo chí, truyền thông, từ ban lãnh đạo, quản lý cho đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi khẳng định.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cũng có tác động rất lớn đến chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên để bắt kịp với sự thay đổi liên tục của thời kỳ chuyển đổi số, đi cùng với đó là thách thức trong thu hút, giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi ở lại các trường đại học, cao đẳng thay vì dịch chuyển sang các cơ quan báo chí - truyền thông với mức đãi ngộ cao hơn và môi trường làm việc năng động hơn.

Phát biểu tổng kết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 62 bài tham luận của các lãnh đạo, nhà khoa học từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông trên cả nước.

Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí - truyền thông hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ thông tin - tuyên truyền, định hướng dư luận trong bối cảnh mới.

Để chuyển đổi số báo chí - truyền thông thành công, cần đòi hỏi sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người được coi là then chốt. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, tăng cường công tác đào tạo báo chí - truyền thông thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, trong đó cần thay đổi tổng thể từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận và thảo luận đã phân tích thực trạng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian qua; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, điều kiện, yêu cầu, nội dung, các yếu tố tác động và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam…/.


Đỗ Bình

Xem thêm