Việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá là phương pháp tối ưu nhất trong việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực không chỉ về mặt tài chính mà còn có cả năng lực chuyên môn, năng lực về công nghệ, thị trường...
Trải qua hơn 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản 2010 mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn công tác thăm dò, quản lý khoáng sản đặt ra nhiều vấn đề mới, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu hiện nay. Vừa qua, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến đóng góp cho các nội dung trong dự thảo Luật. Cụ thể, về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nội dung được đưa vào dự thảo Luật nhằm tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này, các chuyên gia cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật có tính kế thừa các quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg về phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đấu giá tài sản.
Ông Tống Minh Hiểu, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 79, Luật Khoáng sản 2010, hình thức đấu giá gồm: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, về cơ bản, các khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực; vì vậy, quy định này là không thực tế.
Ông Tống Minh Hiểu đánh giá, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là chủ trương nhằm minh bạch trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá cần được xem xét, nhìn nhận lại để bảo đảm đúng với bản chất của loại tài sản đưa ra đấu giá. Theo đó, nội dung tại Điều 104, Chương X của dự thảo Luật (Khu vực đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản) cho thấy, đấu giá quyền khai thác khoáng sản chủ yếu là đấu giá ở những khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản. Do vậy, thông tin, số liệu về trữ lượng cấp tài nguyên đưa ra đấu giá từ kết quả điều tra đánh giá có mức độ tin cậy rất thấp. Điều này sẽ phát sinh những hệ lụy pháp lý như: Dữ liệu đưa ra đấu giá có tính chất rất đặc thù; sai số trữ lượng khi doanh nghiệp trúng đấu giá; tiến hành thăm dò mà không tìm ra trữ lượng theo như thông tin dự báo thì trách nhiệm pháp lý thuộc về cơ quan, tổ chức nào.
Ông Tống Minh Hiểu cũng nêu câu hỏi, trong trường hợp thăm dò và đánh giá trữ lượng, tổng khoáng sản có ích không đủ điều kiện thực hiện dự án, do không có hiệu quả kinh tế, cơ quan nào chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp khi đã bỏ chi phí đầu tư thăm dò và thực hiện các thủ tục hành chính để tiến hành thăm dò. Nếu không có trữ lượng, dự án không thể triển khai được thì số tiền đặt cọc đấu giá cũng khó được hoàn lại. Đây là rủi ro vô cùng lớn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Tống Minh Hiểu kiến nghị Nhà nước áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khai thác và chế biến khoáng sản. Cụ thể, xây dựng một chương riêng về đấu giá khai thác khoáng sản và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản để thu hút các nhà đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo Tiến sỹ Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Kinh tế Địa chất Việt Nam, Luật Khoáng sản 2010 đã trải qua hơn 13 năm thi hành, song việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào, còn tại các địa phương cũng chỉ có vài mỏ được tổ chức đấu giá. Cũng theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013, khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Do đó, không nên đem khối tài sản của toàn dân đem ra đấu giá trong khi đang rất mơ hồ về giá trị của tài sản đó. Việc tiến hành đấu giá sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả Nhà nước và doanh nghiệp trúng đấu giá.
Tiến sỹ Lê Ái Thụ dẫn chứng, Điều 107 của Dự thảo Luật (điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá) cho thấy, việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá là phương pháp tối ưu nhất trong việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực không chỉ về mặt tài chính mà còn có cả năng lực chuyên môn, năng lực về công nghệ, thị trường... Tuy nhiên, nếu đấu giá theo quy định hiện hành thì khó tìm được nhà đầu tư phù hợp cũng như đáp ứng được yêu cầu về sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản có hạn của đất nước.
Để triển khai đấu giá bảo đảm được các yêu cầu trên, Tiến sỹ Lê Ái Thụ đề nghị, dự thảo Luật cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng để nghiên cứu, bổ sung vào nội dung về đấu thầu dự án khai thác khoáng sản nhằm lựa chọn nhà đầu tư và chỉnh lý các nội dung liên quan về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước (cơ quan đại diện chủ sở hữu) cần xác định được tương đối về giá trị khối tài sản của mình trước khi đem ra đấu giá nhằm bảo đảm thực hiện công bằng đối với các nhà đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp, địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.
- Từ khóa:
- Đấu giá
- quyền khai thác
- khoáng sản