Cơ sở dữ liệu nền địa hóa đa mục tiêu được xây dựng cho một phạm vi hạn chế (6 tỉnh biên giới phía Bắc) nhưng các kết quả thu được đã mở ra nhiều hướng ứng dụng rất hữu ích như: Đánh giá hiện trạng môi trường, định hướng tìm kiếm khoáng sản.
Trước biến động ngày càng gia tăng của môi trường bề mặt cùng với các yêu cầu khác nhau của phát triển kinh tế - xã hội trong đó có yêu cầu về bảo vệ môi trường, mới đây các nhà khoa học Viện Địa chất và Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xây dựng thành công Dự án “Xây dựng nền địa hóa đa mục tiêu quốc gia cho 6 tỉnh biên giới phía Bắc”. Đây là giai đoạn I của Dự án “Xây dựng nền địa hóa đa mục tiêu quốc gia lãnh thổ Việt Nam”, thuộc chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ, mặc dù mới là bước đầu, cơ sở dữ liệu nền địa hóa đa mục tiêu được xây dựng cho một phạm vi hạn chế (6 tỉnh biên giới phía Bắc) nhưng các kết quả thu được đã mở ra nhiều hướng ứng dụng rất hữu ích như: Đánh giá hiện trạng môi trường, định hướng tìm kiếm khoáng sản. Một số ứng dụng trong nông nghiệp phục vụ phát triển các cây trồng đặc sản của một số địa phương cũng đang được triển khai nghiên cứu.
Tại Việt Nam, dù đã có những nghiên cứu ứng dụng địa hóa nguyên tố trong tìm kiếm khoáng sản, đánh giá chất lượng đất trong nông nghiệp, các biểu hiện ô nhiễm môi trường đã được thực hiện ở một số khu vực tìm kiếm - thăm dò và khai thác khoáng sản, một số vùng đất trồng cây nông nghiệp (lúa, ngô)...nhưng việc nghiên cứu nền địa hóa và thành lập bộ bản đồ địa hóa đa mục tiêu cho toàn lãnh thổ Việt Nam chưa được triển khai.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, giai đoạn I của Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn các tỉnh như: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với diện tích khoảng 44.000 km2. Các kết quả phân tích được xử lý bằng phương pháp thống kê và phần mềm chuyên dụng để xác định thông số thống kê cơ bản và một số thông tin cần thiết.
Cụ thể, Dự án đã xây dựng bộ bản đồ nền địa hóa với trên 200 bản đồ cho từng chỉ tiêu phân tích và tổ hợp một số nguyên tố với tỷ lệ 1:250.000 và 1:50.000 (đối với các vùng trọng điểm) kèm theo thuyết minh chi tiết. Các bản đồ nền địa hóa phản ánh rõ nét phân bố không gian của hàm lượng các nguyên tố cũng như một số thông số môi trường khác. Ngoài ra, trên bản đồ nền địa hóa còn thể hiện phân bố của các dị thường địa hóa. Phân bố không gian của các nguyên tố cũng được phân tích đánh giá kỹ lưỡng theo hướng xác định nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân của các dị thường địa hóa, mối quan hệ giữa hàm lượng các nguyên tố với các yếu tố địa chất.
Thành công của giai đoạn I là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện dự án cho toàn quốc trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, một số kết quả bước đầu của Dự án đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế bao gồm: 5 bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI, 2 bài thuộc danh mục Scopus, 6 bài trên tạp chí chuyên ngành trong nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh đánh giá, một trong những kết quả nổi bật của Dự án là xây dựng và hoàn thiện phương pháp luận xác định nền địa hóa ở nước ta. Đến nay, các văn bản hướng dẫn bao gồm quy trình thực hiện; khuyến nghị từ chiến lược lấy mẫu; phương pháp lấy và xử lý mẫu; phương pháp phân tích, xử lý và luận giải số liệu, quản lý dữ liệu đã được hoàn thành.
Thành công bước đầu của Dự án góp phần xác định nền địa hóa nước ta; từ đó mở ra những hướng đi mới cho lĩnh vực nghiên cứu địa chất trong tương lai./.
- Từ khóa:
- ứng dụng
- nghiên cứu địa chất