Khoa học

Bảo tồn một số loài cây họ Dầu quý tại Xuân Liên (Thanh Hóa)

Thanh Hóa

Ban Quản lý đã điều tra được 45 tuyến, xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung và trồng rừng bổ sung, làm giàu rừng có các loài cây họ Dầu (15 ha/2 mô hình) ở xã Vạn Xuân, Yên Nhân, huyện Thường Xuân.

Ươm giống các loài cây họ Dầu được trồng nhân giống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. 
Ảnh: TTXVN phát

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai “Điều tra đặc điểm sinh vật học và bảo tồn một số loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2022-2024)” nhằm bảo tồn các loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, Ban Quản lý đã điều tra được 45 tuyến, xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung và trồng rừng bổ sung, làm giàu rừng có các loài cây họ Dầu (15 ha/2 mô hình) ở xã Vạn Xuân, Yên Nhân, huyện Thường Xuân. Kiểm lâm viên đã trồng và nhân giống được 10.000 cây họ Dầu như chò chỉ, táu mặt quỷ, táu nước, táu muối…

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, kiểm lâm viên sẽ điều tra, xác định thành phần, đặc điểm phân bố tự nhiên, mối đe dọa của các loài cây họ Dầu. Đồng thời thu thập thông tin về loài qua phỏng vấn 120 người dân tại 12 thôn/bản vùng đệm Khu Bảo tồn; điều tra định vị, mô tả chi tiết 100 cây họ Dầu cổ thụ; xây dựng cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh vật học làm cơ sở cho hoạt động bảo tồn, phát triển, nghiên cứu khoa học.

Cây Chò chỉ, thuộc các loài cây họ Dầu được trồng nhân giống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. 
Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, kiểm lâm viên cũng sẽ xây dựng báo cáo chuyên đề về phân tích hiện trạng phân bố, tình trạng khai thác, buôn bán và sử dụng của các loài cây tại những thôn vùng đệm Khu Bảo tồn; in ấn và cấp phát 1.210 bản poster tuyên truyền về bảo tồn phát triển các loài cây cấp cho người dân tại 12 thôn/bản, 5 xã và 6 trường học.

Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ xây dựng bộ tiêu bản đầy đủ gồm 300 tiêu bản ảnh cây cổ thụ, 600 tiêu bản khô và các loài thực vật ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; đồng thời trồng và chăm sóc 100 cây họ Dầu mẹ để làm giống; gieo ươm thực nghiệm 10.000 cây giống để bảo tồn và phát triển.

Các loài cây họ Dầu là họ thực vật với những cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, nhiều công dụng như cung cấp gỗ, dầu và làm cảnh… Tại Việt Nam, các loài cây họ Dầu có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn nguồn gen cao, góp phần đa dạng thành phần hệ sinh thái rừng.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, kiểm lâm viên đã ghi nhận có nhiều loài trong họ Dầu, trong đó nổi bật nhất là 3 loài: Chò chỉ (Parashorea chinensis Wang Hsie), táu mặt quỷ (Hopea mollisima C.Y.Wu) và táu muối (Vatica diospyroides Symingt). Việc triển khai nhiệm vụ khoa học sẽ giúp quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Đồng thời cơ quan chức năng có giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại Khu Bảo tồn./.

Nguyễn Đình Nam

Xem thêm