Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cần quyết liệt triển khai mạnh các giải pháp truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao 2G khi mạng 2G dừng hoạt động từ ngày 16/9.
Theo lộ trình dừng vận hành hệ thống di động 2G Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, từ ngày 16/9, tất cả các nhà mạng viễn thông Việt Nam sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho những thiết bị dùng công nghệ di động 2G trên phạm vi đất liền. Do vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cần quyết liệt triển khai mạnh các giải pháp truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao 2G.
Theo Thông báo của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ ngày 16/9/2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Đây là hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn GSM (hệ thống 2G) hiện có được cấp lại giấy phép băng tần 900Mhz, 1800MHz.
Trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK, hệ thống thông tin di động GSM (2G) được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G Only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, tắt sóng 2G là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế cũng như với mong muốn của các nhà mạng và nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, Viettel đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ 2G lên 4G của người dùng di động trong suốt 4 năm vừa qua. Đến nay, tỷ lệ thuê bao 2G chiếm khoảng 16% tổng số thuê bao của mạng Viettel. Đến tháng 9/2024, cần dịch chuyển, đưa số lượng thuê bao 2G trên mạng chỉ còn dưới 5% thì Viettel mới có thể tắt sóng 2G được.
Hiện nhà mạng Vinaphone còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G, tương đương 8% tổng số thuê bao. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G Only theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhà mạng MobiFone cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương tắt sóng 2G, chuyển khách hàng sử dụng 2G Only sang 4G, 5G để tối ưu tần số, hạ tầng, triển khai thêm nhiều dịch vụ số.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only để việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng. Các nhà mạng viễn thông cũng có chương trình, chính sách đổi điện thoại 2G lấy điện thoại thông minh, trợ giá, giảm giá thiết bị điện thoại thông minh cũng như triển khai nhiều gói cước ưu đãi, phù hợp để người dân thuận tiện sử dụng./.
- Từ khóa:
- Công nghệ
- viễn thông
- tắt sóng 2G