Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh cũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như: Nâng cao chất lượng xuất bản, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển tạp chí điện tử, đào tạo đội ngũ nghiên cứu và biên tập viên có trình độ cao, tăng cường kỷ luật hành chính.
Ngày 21/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với việc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế". Đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận về các khó khăn, thách thức của ngành báo chí, đặc biệt là đối với các tạp chí khoa học trong quá trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền tải thông tin và định hướng xã hội; đề cập đến thành tựu các tạp chí của Viện Hàn lâm đã đạt được, như việc quy hoạch và cấp đổi giấy phép, nâng cao chất lượng các bài viết, tham gia vào hệ thống tạp chí quốc tế. Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh cũng đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như: Nâng cao chất lượng xuất bản, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển tạp chí điện tử, đào tạo đội ngũ nghiên cứu và biên tập viên có trình độ cao, tăng cường kỷ luật hành chính.
Nêu một số thành tựu trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đó là việc cơ bản hoàn thành cấp đổi giấy phép tạp chí in mới của một số tạp chí; số khác đã phát triển thành tạp chí điện tử, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Chất lượng các bài viết ngày càng được nâng cao. Nhiều tạp chí đã được cấp chỉ số đăng ký nhận dạng đối tượng kỹ thuật số (DOI) và tham gia hệ thống tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL).
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc công bố và giới thiệu kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, tạp chí cũng tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng và gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế là yêu cầu cấp thiết đối với các tạp chí khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Phó Giáo sư Nguyễn Duy Lợi cho rằng, cần đẩy mạnh quá trình này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Chia sẻ giải pháp về ứng dụng chuyển đổi số, xuất bản trực tuyến các tạp chí khoa học, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn đánh giá, hiện nay, phần lớn các tạp chí uy tín quốc tế đã chuyển sang phát hành trực tuyến, nhưng tại Việt Nam, số lượng tạp chí khoa học phát hành trực tuyến còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thông qua nền tảng VJOL, đảm bảo tất cả tạp chí khoa học Việt Nam có bản điện tử trong thời gian sớm nhất. Điều này sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu công bố và trích dẫn khoa học, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giúp tạp chí Việt Nam có thêm cơ hội vào danh mục cơ sở dữ liệu trong khu vực.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, để đảm bảo chất lượng tạp chí khoa học, việc xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp là yếu tố then chốt. Nhà báo cần có kiến thức sâu rộng về khoa học và công nghệ, nhạy bén về chính trị và kinh tế. Các tòa soạn cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Đồng thời, xây dựng và phát triển tạp chí khoa học theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Ngoài ra, các tạp chí cần nâng cao chất lượng nội dung, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Hương, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, quá trình chuyển đổi số cho tạp chí khoa học cần đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức của lãnh đạo và biên tập viên về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo về báo chí, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin, an ninh mạng và xử lý dữ liệu. Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực báo chí số cũng rất quan trọng. Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Hương cũng cho rằng, cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn, quy cách đăng bài giữa các tạp chí trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để hòa nhập vào cơ sở dữ liệu chung của khu vực và quốc tế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận và đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Chuyển đổi số toàn diện, đẩy mạnh chuyển đổi số cho các tạp chí khoa học, sử dụng nền tảng VJOL để đảm bảo tất cả các tạp chí khoa học của Việt Nam đều có phiên bản điện tử. Cùng với đó, tạo lập cơ sở dữ liệu công bố và trích dẫn khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng cơ hội cho các tạp chí Việt Nam gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế; nâng cao chất lượng xuất bản, tăng cường công tác biên tập, đảm bảo các bài viết được kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung và chất lượng khoa học. Các tạp chí cần đạt các tiêu chuẩn quốc tế để tăng tính minh bạch và khả năng trích dẫn; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ nhà báo và biên tập viên chuyên nghiệp, có kiến thức sâu rộng về khoa học và công nghệ, nhạy bén về chính trị và kinh tế. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động báo chí và xuất bản, bao gồm công nghệ thông tin, an ninh mạng và xử lý dữ liệu; tổ chức các khóa tập huấn và đào tạo kỹ năng cần thiết cho cán bộ và biên tập viên…/.