Hải Dương: Kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy nước công nghệ lạc hậu, không đảm bảo chất lượng
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu đánh giá tình hình cung ứng nước sạch trên địa bàn; đảm bảo cung cấp nước sạch kịp thời phục vụ đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Ngày 28/6, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 9) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành chức năng cần đánh giá tình hình cung ứng nước sạch trên địa bàn; đảm bảo cung cấp nước sạch kịp thời phục vụ đời sống của người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong thời gian tới.
Ông Lưu Văn Bản lưu ý các sở, ngành chức năng khi đánh giá thực trạng tình hình cung ứng nước sạch trên địa bàn cần chỉ rõ những hạn chế, bất cập đang vướng mắc như: chất lượng nguồn nước; công nghệ xử lý nước của các nhà máy sản xuất; thủ tục về đất đai của các công trình cấp nước; việc quản lý vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước; giá bán nước sạch…
Theo quy hoạch, thời gian tới Hải Dương sẽ có 32 khu công nghiệp và 61 cụm công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các sở, ngành xem lại quy hoạch đầu tư, phát triển các công trình cấp nước đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình cấp nước phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các khu, cụm công nghiệp. Các cơ quan chức năng cần đánh giá nguồn nước ở các dòng sông đang cung cấp nước cho các nhà máy nước xử lý đảm bảo an toàn, không bị ô nhiễm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra việc quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch có vốn nhà nước.
Về công nghệ xử lý nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các nhà máy tiếp tục nâng cấp công nghệ, đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn đến người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu, cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong công nghệ xử lý nước mặt nói chung và nước nhiễm mặn nói riêng hoặc đầu tư ứng dụng công nghệ xử lý nước nhiễm mặn để đáp ứng trước các biến đổi nguồn nước đầu vào bị nhiễm mặn. Đối với các dự án đang hoạt động mà chậm cải tạo, sửa chữa khắc phục công nghệ, chất lượng nước kém thì kiên quyết dừng hoạt động và giao đơn vị khác làm.
Đối với giá nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đề nghị cần xem xét, tính lại để đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Hải Dương dự kiến đầu tư theo phân vùng cấp nước và đầu mối cấp nước theo phương án phát triển hạ tầng cấp nước theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023, chia thành 8 vùng cấp nước với các hệ thống cấp nước riêng biệt với nhu cầu sử dụng đến năm 2030 ước khoảng trên 800.000 m3/ngày, đêm.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 98 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung, gồm: 56 nhà máy sản xuất trực tiếp; 42 trạm tăng áp hoặc trung chuyển. Trong đó, Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương quản lý 25 công trình; Công ty Cổ phần nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 27 công trình; các Hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý 45 công trình. Các công trình sản xuất nước sạch chủ yếu khai thác, sử dụng nguồn nước mặt sông lớn (chiếm 96,94 %).
Hệ thống mạng lưới cấp nước cơ bản đã phủ kín trên địa bàn tỉnh (chỉ còn 4 xã thuộc địa bàn thành phố Chí Linh: Xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi và Hưng Đạo chưa có hệ thống cấp nước tập trung). Tỷ lệ dân số sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 98%. Công suất hoạt động của các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh là trên 338.000 m3/ngày, đêm; cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, việc cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: hệ thống mạng lưới cấp nước hiện chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới. Quy hoạch hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương chưa đồng bộ dẫn đến khối lượng và kinh phí di chuyển các tuyến ống cấp nước khi các địa phương làm đường, chỉnh trang đô thị... lớn; nguồn nước còn nhiều nguy cơ ô nhiễm từ nước thải công nghiệp, sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trên các dòng sông.
Hiện, Hải Dương mới chỉ có 34/98 công trình cấp nước đã thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất theo quy định của pháp luật đất đai. Còn lại phần lớn các đơn vị cấp nước chưa hoàn thành thủ tục về đất đai theo quy định, đặc biệt là các công trình được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia…/.
- Từ khóa:
- Hải Dương
- nhà máy nước
- công nghệ lạc hậu
- nước sạch