Huyện Ba Vì thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc Nam nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả nhiều loại thuốc quý, đồng thời mở các lớp học nâng cao kiến thức về chẩn đoán, chữa bệnh cho người dân.
TTXVN - Nằm sâu dưới chân núi Ba Vì, các thôn Hợp Sơn, Yên Sơn, Hợp Nhất của xã Ba Vì (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) cây cối quanh năm xanh mướt, khí hậu trong lành. Đây cũng là nơi sinh sống nhiều đời nay của đồng bào người Dao Quần chẹt, cùng nghề thuốc Nam nổi tiếng. Với những bí kíp gia truyền độc đáo, thuốc Nam của người Dao Ba Vì được rất nhiều người tin dùng, khá hiệu quả trong điều trị bệnh. Hiện nay, huyện Ba Vì cũng như các cơ quan chức năng Hà Nội đang quan tâm bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam của người Dao Ba Vì, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, vừa xây dựng thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
*Đặc sắc nghề làm thuốc Nam
Con đường dẫn đến các thôn làng của xã Ba Vì quanh co theo những sườn đồi xanh rợp bóng cây, xen lẫn là những nóc nhà khang trang của đồng bào người Dao. Thiên nhiên ban cho nơi này điều kiện địa lý tự nhiên, hình thái khí hậu khá đặc biệt, tạo ra vùng thực vật lý tưởng đối với nghề thuốc Nam.
Trước kia, khi ở trên núi cao, hầu hết các gia đình người Dao đều biết các loại cây để chữa bệnh. Khi chuyển xuống núi sinh sống, do diện tích đất canh tác ít ỏi, nghề phụ không có nên nghề thuốc Nam trở thành nghề đem lại nguồn thu chính cho bà con.
Khu vực núi Ba Vì có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu được người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, người Dao còn lấy các cây thuốc ở các đồi Suối Hai, Đá Chông (Ba Vì)… và một số tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La... Thuốc Nam của người Dao chủ yếu sử dụng thân cây, cây dây leo, lá và củ.
Nếu trước kia, các loại cây có sử dụng làm thuốc thường được người Dao dùng tươi hay phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn ngày nay, thuốc lấy ở rừng về được sơ chế thành năm loại gồm: Thuốc khô, cao, thuốc nhỏ, thuốc đắp, thuốc bột và đã có nhiều cải tiến, nâng cấp sản phẩm sơ chế, đóng gói, ngày càng tiếp cận rộng rãi với thị trường. Thuốc Nam của người Dao được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh xương khớp, bệnh gan, thận, dạ dày, thần kinh, bệnh ngoài da, răng miệng, thuốc cho phụ nữ sau sinh…
Hiện, nghề thuốc Nam phát triển cả ba thôn, có khoảng trên 80% gia đình trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu. Trong đó, thôn Yên Sơn có khoảng 250 hộ đều làm nghề thuốc và thôn được công nhận là Làng nghề thuốc Nam. Thôn Hợp Sơn có 271 hộ làm nghề thuốc.
Bà Triệu Thị Thanh, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì nổi tiếng với nghề làm thuốc Nam, nhất là thuốc khớp, dạ dày, đại tràng, sỏi thận, sỏi mật. Riêng dòng thuốc xương khớp, gia đình bà có tới hơn 100 loại, còn các loại thuốc khác khoảng 50 - 60 loại. Nhà bà có 4 đời làm nghề thuốc Nam. Cháu trai của bà cũng đang học đại học chuyên ngành Đông y để nối nghiệp gia đình. Chị Triệu Thị Oanh, con dâu bà chia sẻ: Nghề làm thuốc được bà bủ (cụ) truyền lại nên mọi người trong nhà đều có ý thức gìn giữ. Hơn nữa, nghề này cũng mang lại thu nhập đáng kể trong gia đình.
Do hiệu quả của thuốc được mọi người đánh giá cao nên gia đình bà Triệu Thị Thanh tiêu thụ hàng rất tốt. Chỉ thông qua việc người nọ mách người kia mà thuốc Nam của gia đình đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được đưa vào cả Tây Nguyên và miền Nam.
Còn gia đình chị Lý Thị Thu Hà, thôn Hợp Sơn cũng nhiều đời làm nghề thuốc Nam, với dòng sản phẩm chính là thuốc chữa xoang loại nhỏ mũi và loại uống. Dù vậy, sản phẩm của gia đình chị cũng được nhiều người biết tới và tiêu thụ tương đối tốt. Mong muốn của chị khi gắn với nghề thuốc Nam không chỉ là tăng khả năng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình mà còn bảo tồn nghề của cha ông để lại.
*Phát huy nghề làm thuốc truyền thống
Những kinh nghiệm về thuốc Nam ở Ba Vì thường được truyền cho những người thân trong gia đình, chủ yếu là phụ nữ. Với người ngoài, họ chỉ được dạy về cách chữa bệnh thông thường, nhiều bí quyết chữa bệnh hiểm nghèo chỉ trao truyền cho những người ruột thịt. Bên cạnh việc truyền dạy trực tiếp trong gia đình và học hỏi lẫn nhau thì những năm gần đây, huyện Ba Vì và xã Ba Vì có tổ chức một số lớp học về Đông y để nâng cao hiểu biết cho người dân, từ sơ chế và bảo quản thuốc, chẩn đoán bệnh.
Khi công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng Ba Vì được thắt chặt nên hoạt động khai thác cây thuốc của người Dao cũng hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác, nhiều gia đình cũng gây trồng trong vườn nhà những loại cây thuốc hiếm để phục vụ cho bài thuốc của mình. Từ đó, người dân chủ động được nguồn dược liệu, phát triển ổn định việc sản xuất thuốc Nam.
Để bảo vệ và phát triển nghề làm thuốc Nam của người Dao, huyện Ba Vì và xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thuốc Nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn có hiệu quả nhiều loại thuốc quý, đồng thời mở các lớp học nâng cao kiến thức về chẩn đoán, chữa bệnh cho người dân. Địa phương cũng chú trọng tuyên truyền để người Dao hiểu được giá trị của các cây thuốc cũng như tri thức chữa bệnh, để họ có trách nhiệm hơn với nghề thuốc.
Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp cùng UBND huyện Ba Vì xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo tính bền vững trên cơ sở khai thác, phát triển các hoạt động du lịch gắn tiềm năng, lợi thế về làng nghề cùng các giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số. Du khách có thể trải nghiệm hành trình chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên và các hoạt động tìm hiểu văn hóa của người Dao Quần chẹt, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị văn hóa và nghề làm thuốc Nam truyền thống của người Dao.
Viện trưởng Viện phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng: Mô hình du lịch cộng đồng giới thiệu văn hóa bản địa cũng như giúp làng nghề thuốc Nam của người Dao Ba Vì phát triển tốt, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Điểm nhấn trong mô hình chính là bảo tồn văn hóa của đồng bào người Dao, bảo tồn làng nghề thuốc Nam để gắn kết đồng bào với nhau, tạo sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, tạo sự liên kết để mọi người cùng chung tay thực hiện. Đó là khởi điểm đưa cộng đồng vào phát triển du lịch, bảo tồn làng nghề.
Hiện nay, việc sản xuất và kinh doanh thuốc Nam của bà con người Dao Ba Vì mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều sản phẩm chế biến và sản xuất từ cây thuốc Nam được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Việc quan tâm bảo tồn và phát huy nghề thuốc Nam người Dao Ba Vì của địa phương và các cơ quan liên quan khiến bà con rất phấn khởi, hy vọng nhiều người biết đến tri thức làm thuốc Nam của dân tộc mình và đến với bản làng mình nhiều hơn nữa./.