Tỉnh xác định 4 khâu đột phá trọng tâm cần giải quyết để đạt mục tiêu trên, tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính.
TTXVN - Ngày 9/5, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Lâm Đồng sẽ trở thành "Thiên đường xanh” trong lĩnh vực du lịch; đến 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Tỉnh xác định 4 khâu đột phá trọng tâm cần giải quyết để đạt mục tiêu trên. Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng; sắp xếp, tái cấu trúc không gian lãnh thổ của tỉnh, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Tỉnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo hướng tới tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, dịch vụ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý và bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả quỹ đất; xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.
Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Lâm Đồng xác định gồm 3 lĩnh vực: Ngành Nông, lâm, thủy sản; ngành Dịch vụ và ngành Công nghiệp - Xây dựng. Trong ngành Du lịch, phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Tỉnh phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.
Tỉnh phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng. Tỉnh nghiên cứu, phát triển các trung tâm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao hàng đầu Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.
Lâm Đồng cũng sẽ tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính. Đó là du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (golf, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.
Lâm Đồng nằm ở phía Nam của Tây Nguyên, trên độ cao từ 800 - 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18 - 25 độ C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm. Thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch nổi tiếng, có hàng ngàn loài hoa nở quanh năm. Địa phương có trên 22.000 ha rừng thông, hàng chục thác nước, hồ nước, hàng ngàn dinh thự, biệt điện cổ nổi tiếng cùng với các làng hoa truyền thống hình thành nên 35 khu điểm du lịch, 60 điểm tham quan, 3 sân golf và khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm là thế mạnh để phát triển du lịch xanh.
Năm 2023, Lâm Đồng đón trên 8,6 triệu lượt khách tới du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có 400 ngàn lượt khách quốc tế và 8,2 triệu lượt khách nội địa với doanh thu từ du lịch đạt 15,5 ngàn tỷ đồng. Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 va 1/5, Lâm Đồng đón khoảng 210.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10.000 khách so với dự kiến ban đầu…/.
- Từ khóa:
- Lâm Đồng
- Thiên đường xanh
- du lịch