Sức khỏe

Bảo tồn, phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị

Hưng Yên

Hưng Yên đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hay phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo phương pháp y học cổ truyền như: Câu lạc bộ thuốc nam ở các huyện Văn Lâm, Khoái Châu; mô hình hội Đông y cấp xã ở huyện Yên Mỹ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Hưng Yên trao Bằng khen các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

TTXVN - "Tiếp tục phát triển nền Y học cổ truyền, phục vụ công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho nhân dân đạt hiệu quả thiết thực, xứng đáng với truyền thống quê hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác". Đây là vấn đề trọng tâm được Tỉnh ủy Hưng Yên đưa ra tại Hội nghị "Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới", diễn ra ngày 25/4.

Lưu truyền bài thuốc hay, cây thuốc quý

Trong 15 năm qua, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phát triển nền Đông y trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện y dược cổ truyền, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện có khoa y học cổ truyền. Các cấp hội đông y gồm Hội Đông y tỉnh, 10 hội đông y cấp huyện, 6 chi hội trực thuộc Tỉnh Hội, hội đông y cấp xã. Cùng với hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập, toàn tỉnh có hơn 140 cơ sở tư nhân khám, chữa bệnh theo phương pháp đông y, 125 cơ sở kinh doanh và 3 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu. Trong 15 năm qua, có trên 4,2 triệu lượt người khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế, trên 2 triệu lượt người khám, điều trị tại hội đông y các cấp.

Hưng Yên thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo, dạy nghề y, dược học cổ truyền. Tỉnh đã ưu đãi đầu tư phát triển vùng chuyên canh trồng dược liệu quy mô tập trung, sản xuất thuốc đông y ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ... Hưng Yên là một trong 6 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển trồng 20 loại dược liệu. Toàn tỉnh hiện có với 1.500 ha cây dược liệu, chủ yếu là hoa cúc, nghệ vàng, cỏ ngọt, ngưu tất, thanh hao... mỗi năm thu 4,5 nghìn tấn dược liệu thô.

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hưng Yên Đặng Thị Phúc cho biết, từ năm 2008 đến nay, các cấp hội Đông y trong tỉnh đã tổ chức được trên 200 cuộc hội thảo chuyên môn; lựa chọn được 26 bài thuốc gia truyền của các lương y cống hiến và đã bàn giao cho Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh Hưng Yên, phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng trong việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp Y dược cổ truyền cho nhân dân.Hội còn sưu tầm, kế thừa, ứng dụng có hiệu quả nhiều bài thuốc của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tỉnh Hội luôn tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp những người làm nghề y, dược cổ truyền, động viên các thành viên ra sức đóng góp tài năng, kinh nghiệm và thu thập, sưu tầm các bài thuốc hay, cây thuốc quý sử dụng vào công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Các bài thuốc hay, cây thuốc quý của các lương y cống hiến được áp dụng và đưa vào sử dụng trong nhân dân, đạt hiệu quả cao. Điển hình như lương y Nguyễn Viết Sâm ở huyện Hội Kim Động có bài thuốc gia truyền thuốc nam để chữa bệnh gan; lương y Nguyễn Trần Chuyển, Chủ tịch Hội Đông y huyện Yên Mỹ có bài thuốc gia truyền chữa bệnh Hậu bối; lương y Phạm Văn Điểm Hội Đông y huyện Văn Giang có kinh nghiệm điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp tác động cột sống…

Xây dựng đội ngũ lương y "giỏi về y lý, tinh thông về y thuật, trong sáng về đạo đức"

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam Đỗ Thế Lộc phát biểu. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Tại hội nghị, Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam đánh giá cao những thành tựu Y học cổ truyền của tỉnh Hưng Yên. Các cơ sở y tế, Hội Đông y các cấp đã kế thừa, bảo tồn, phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị. Tỉnh đã có nhiều mô hình tốt, cách làm hay phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo phương pháp y học cổ truyền như: các câu lạc bộ thuốc nam ở các huyện Văn Lâm, Khoái Châu; các mô hình hội Đông y cấp xã ở huyện Yên Mỹ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam đề nghị các cấp Hội ở Hưng Yên tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của nền y học cổ truyền gắn với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại; phát triển lực lượng lương y, thầy thuốc, bác sĩ Đông y cả về số lượng, chất lượng cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và uy tín để tiếp tục khẳng định vị thế của ngành Đông y trong khám, chữa bệnh... Mặt khác, các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn để làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm “Nam dược trị nam nhân”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản khẳng định, tỉnh luôn coi trọng lĩnh vực khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Hội Đông y các cấp trên địa bàn được củng cố, kiện toàn và đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng khám, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền được nhân dân đánh giá cao; một số loại bệnh điều trị đạt hiệu quả thiết thực. Công tác sưu tầm, kế thừa và phổ biến những bài thuốc hay đã khẳng định những giá trị đích thực.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị y học cổ truyền, xứng đáng với truyền thống quê hương đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên mong đội ngũ lương y tiếp tục cống hiến, đóng góp nhiều bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh hữu hiệu; tiếp tục trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo phương châm “giỏi về y lý, tinh thông về y thuật, trong sáng về đạo đức”. Hội khuyến khích các lương y có đủ điều kiện và tiêu chuẩn mở các phòng chẩn trị tư nhân hoặc các loại hình liên kết khác để khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thực sự đạt chất lượng, mang lại niềm tin cho người bệnh./.

M.N

Xem thêm