Sức khỏe

Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ - địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ ngành Y

Cần Thơ

Các trường đào tạo, các bệnh viện, các đơn vị y tế  trên trên địa bàn Tây Nam Bộ tạo điều kiện cho sinh viên, người lao động ngành Y tế tham quan học tập tại Phòng truyền thống này.

Quân dân y - Ảnh minh họa/TTXVN phát

TTXVN-Ngày 21/4, Sở Y tế thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ khánh thành Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ (thời kỳ kháng chiến cứu nước 1954-1975).

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, Phòng Truyền thống Dân y khu Tây Nam Bộ (thời kỳ kháng chiến cứu nước 1954-1975) trưng bày những hình ảnh, hiện vật, tư liệu, hoạt động của Dân y khu Tây Nam Bộ (thời kỳ kháng chiến cứu nước 1954-1975). Nội dung trưng bày đã tái hiện lại một phần bức tranh công tác, học tập, sinh hoạt, lao động và chiến đấu… đầy gian khổ, ác liệt của những người chiến sĩ trên mặt trận y tế.

Từ những tư liệu quý giá đó, nơi đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong ngành Y tế, đặc biệt là giúp học sinh, sinh viên y, dược từ các trường trong thành phố và khu vực hiểu rõ thành quả có được hôm nay là sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước. Những người kế thừa phải làm tốt nhiệm vụ của mình là chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tại buổi lễ, ông Lê Thành Lập, Trưởng ban Liên lạc Dân y Tây Nam Bộ đã ôn lại lịch sử hình thành và vai trò to lớn của Dân y Tây Nam Bộ trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Theo đó, tháng 6/1963, Thường vụ Khu ủy khu Tây Nam Bộ quyết định thành lập Ban Quân Dân y khu. Cuối năm 1964, Quân Dân y tách thành 2 hệ thống là Quân y trực thuộc cục Hậu cần Quân khu và Dân y trực thuộc Thường vụ Khu ủy.

Kết thúc cuộc kháng chiến, ở miền Tây, Dân y khu Tây Nam Bộ để lại trên 150 bác sĩ và dược sĩ đại học, 1.200 y sĩ và dược sĩ trung học. Đây là đội ngũ vững về chuyên môn, trong sáng về y đức, vững vàng về chính trị tư tưởng, một số cán bộ có kinh nghiệm lãnh đạo. Với nguồn nhân lực này đã giúp y tế các địa phương đủ sức tiếp quản hệ thống y tế chế độ cũ, quản lý điều hành xây dựng và phát triển mạng lưới y tế nhanh chóng trong những năm đầu sau giải phóng.

Thành phố Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, được thừa hưởng phần lớn nguồn lực này, góp phần vào phát triển mạng lưới y tế các tỉnh miền Tây mạnh và khá toàn diện như ngày nay. Hệ thống các bệnh viện, trường đào tạo ngành Y tuyến cuối đứng chân trên địa bàn Cần Thơ như Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Trường Đại học Y Dược Trung ương đóng tại Cần Thơ lớn mạnh, đạt tầm cỡ quốc gia và khu vực. Thành quả đó có sự đóng góp nguồn lực ban đầu rất quan trọng và quý giá của Dân y khu Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Khi giải phóng đất nước, toàn bộ lực lượng Dân y khu Tây Nam Bộ ra tiếp quản các cơ sở y tế ở Cần Thơ. Y tế Cần Thơ tiếp quản Ty Y tế tỉnh Chương Thiện (Vị Thanh). Khi hình thành tỉnh Hậu Giang, Dân y khu cũng giải thể. Y tế Hậu Giang (sau này là Cần Thơ) thừa hưởng gần như trọn vẹn thuốc men, trang thiết bị và con người của Dân y khu. Vì vậy, y tế Cần Thơ có điều kiện phát triển khá thuận lợi.

Nhằm phát huy hiệu quả Phòng Truyền thống, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ đề nghị Công đoàn ngành Y tế thành phố phối hợp với Đoàn Thanh niên, nghiên cứu phát động “Hội thi tìm hiểu lịch sử hình thành, nội dung của Phòng Truyền thống” trong đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế. Các trường đào tạo khối, ngành sức khỏe, bệnh viện trên trên địa bàn, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ và đơn vị trực thuộc Sở Y tế tạo điều kiện cho sinh viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tham quan học tập. Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ xây dựng kế hoạch thường xuyên bảo quản tư liệu, tránh bị hư hỏng; đồng thời, ghi nhận thông tin của khách tham quan để nghiên cứu, bổ sung vào bài thuyết minh./.

Ánh Tuyết

Xem thêm