Sức khỏe

Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca mắc COVID-19 nhập viện chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao

TP. Hồ Chí Minh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, các ca nhập viện đa số là người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền).

TTXVN - Tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn chiều 20/4, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 và nhập viện có xu hướng tăng. Cụ thể, ngày 19/4, Thành phố ghi nhận hơn 40 ca mắc mới, chưa có trường hợp tử vong.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định, các ca nhập viện đa số là người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền). Do đó, Sở Y tế đã chỉ đạo kích hoạt chiến dịch bảo vệ người nguy cơ. Đây là chiến dịch đã được thực hiện từ năm 2021, mang lại hiệu quả trong việc giảm ca nặng, ca tử vong, góp phần kiểm soát tốt tình hình.

Về biến thể mới, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, qua hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2, thành phố phát hiện biến thể XBB.1.5 cùng các biến thể khác của Omicron như XBB.1, BA.5, BA.2.75 lưu hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện tại, biến thể BA.2.75 vẫn đang chiếm ưu thế tại thành phố.

Bên cạnh đó, HCDC phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để khảo sát về tỷ lệ miễn dịch cộng đồng của người dân thành phố. Qua đó ghi nhận, tỷ lệ này có sự giảm nhẹ từ 98,7% vào tháng 9/2021, hiện nay còn 94,2%. Kháng thể được khảo sát bao gồm từ người có tiêm ngừa vaccine COVID-19 và người đã khỏi bệnh.

Sắp tới, cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài, ông Nguyễn Hồng Tâm đề nghị, người dân không hoang mang nhưng không nên lơ là, mất cảnh giác với dịch COVID-19; cần tuân thủ theo quy định 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine của Bộ Y tế.

Về liều tiêm vaccine đối với từng đối tượng cụ thể, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, người đã mắc COVID-19 một hay nhiều lần, số mũi tiêm vẫn như nhau, không phải người đã nhiễm sẽ tiêm ít liều hơn. Do đó, người trên 18 tuổi cần tiêm hai liều cơ bản và hai liều nhắc lại, trường hợp người trên 18 tuổi có sự suy giảm miễn dịch sẽ tiêm thêm một liều bổ sung. Những người có bệnh nền, nguy cơ cao, trên 50 tuổi, đặc biệt là 65 tuổi nên tiêm đủ 4 mũi. Đối với trẻ từ 12 - dưới 17 tuổi cần tiêm hai mũi cơ bản và một mũi nhắc lại. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được khuyến khích tiêm hai mũi cơ bản./.

Thu Hương

Xem thêm