Đây là luật hoàn toàn mới, được ban hành để phù hợp với thực tế phát triển của công nghệ trong đời sống xã hội hiện nay; kế thừa, bổ sung và hoàn chỉnh cho Luật Công nghệ thông tin hiện hành.
Ngày 9/7, tại Cần Thơ, Đoàn Công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Cần Thơ, khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số năm 2024.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn chủ trì, thẩm tra dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là luật hoàn toàn mới, được ban hành để phù hợp với thực tế phát triển của công nghệ trong đời sống xã hội hiện nay; kế thừa, bổ sung và hoàn chỉnh cho Luật Công nghệ thông tin hiện hành. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đoàn công tác mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia ở Cần Thơ, với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương, có chỉ số đổi mới sáng tạo nằm ở tốp đầu.
Tại buổi làm việc, đại diện các viện, trường, sở, ngành có nhiều ý kiến đóng góp, dựa trên thực tế triển khai công việc của đơn vị. Ông Lê Văn Thống, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ cho biết: Thành phố đang triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung, định hướng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số, gia công sản xuất chip. Tuy nhiên, khó khăn là giá cho thuê sẽ rất cao vì khu nằm trong vùng trung tâm, giá bồi thường giải phóng đất đai cao. Do đó, việc vận hành Khu công nghệ thông tin đạt hiệu quả rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách rõ ràng, ổn định. Để đạt được điều này, cần có những quy định cụ thể trong Luật Công nghiệp Công nghệ số, thay vì đang chung chung tại Điều 4 về: ngân sách, chính sách đầu tư, kết nối cáp quang dùng chung của cả nước, hệ thống điện quốc gia… Đồng thời, tại Điều 188 của Dự thảo Luật, đề xuất thay thế cụm từ “khu công nghệ thông tin tập trung” thành “khu công nghệ số tập trung”; các nhà đầu tư trước và sau khi có Luật Công nghiệp công nghệ số phải được hưởng những chính sách như nhau...
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ Trần Hoài Phương thông tin, Sở được giao xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ cao thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc do sự chồng chéo các Luật. Hai vấn đề vướng mắc lớn là: Dự thảo đang xây dựng nhưng cần được sự thông qua quy hoạch quốc gia về quỹ đất dành cho khu đô thị cao và vốn. Theo dự toán ban đầu, khu này cần 2.700 tỷ đồng, vượt quá khả năng của thành phố, cần sự hỗ trợ từ Trung ương.
Về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, Sở đang hỗ trợ Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực, tháng 7 sẽ có lớp đầu tiên dành cho giảng viên các trường đại học. Tuy nhiên học phí quá cao (50 triệu đồng/người/2 tháng); do đó, thành phố cần chính sách hỗ trợ chi phí để việc đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Sở cũng đề nghị khi xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, cần quan tâm đến công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về sản phẩm công nghệ số.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Tông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Cần Thơ đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường, thị trấn, các trường học, cơ sở y tế. Thành phố cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công nghiệp công nghệ thông tin của thành phố có bước phát triển cao, tốc độ tăng trưởng hằng năm trung bình 20-25%, đóng góp đáng kể vào ngân sách thành phố. Hiện nay, Cần Thơ có 670 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số với tổng doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông qua vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung, Cần Thơ mong muốn thu hút đầu tư doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn trong và ngoài nước. Đồng thời tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Vì vậy, Cần Thơ kỳ vọng Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương./.