Khoa học

Xuất hiện lừa đảo liên quan đến yêu cầu cập nhật sinh trắc học khi chuyển tiền online

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo lừa đảo liên quan đến cập nhật sinh trắc học khi chuyển tiền online.

Cẩn trọng mắc bẫy lừa đảo.
Ảnh: TTXVN phát

Thời gian vừa qua, lợi dụng chính sách yêu cầu cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi mạo danh cán bộ làm việc tại ngân hàng, chủ động liên hệ với nạn nhân nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình này, ngày 6/7, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo để mọi người cẩn trọng, tránh mắc bẫy lừa đảo.

Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà Nước, từ ngày 1/7/2024, người dân phải cập nhật sinh trắc học khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Nhiều người dùng, đặc biệt là những người lớn tuổi sẽ không tránh khỏi việc gặp khó khăn khi thực hiện các thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học vào phần mềm ngân hàng được cài đặt trên thiết bị thông minh. Lợi dụng cơ hội này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,... dụ dỗ nạn nhân làm theo các hướng dẫn với mục đích đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng, thậm chí lừa chuyển tiền.

Khi liên hệ với người dân, các đối tượng yêu cầu cung cấp các dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng... Nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ thực hiện cuộc gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi thành công đánh cắp dữ liệu, các đối tượng sẽ dễ dàng đăng nhập được vào các ứng dụng ngân hàng, rồi thực hiện thanh toán trực tuyến giao với các dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Đồ họa: TTXVN

Có trường hợp, kẻ lừa đảo dụ dỗ người dân tải về các phần mềm (app) giả mạo có chứa mã độc thông qua đường dẫn (link) được đính kèm trong tin nhắn mà chúng gửi. Khi tải các phần mềm về máy, đối tượng sẽ dễ dàng theo dõi các thao tác mà nạn nhân thực hiện trên thiết bị của mình, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.

Anh Tô Đại Phong, Chuyên viên phòng Khách hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ: Khi không chủ động tự cập nhật được thông tin sinh trắc học, mọi người sẽ đến phòng giao dịch của các ngân hàng để được nhân viên ngân hàng hướng dẫn và hỗ trợ các thao tác kỹ thuật. Các trường hợp gọi đến số đường dây nóng của ngân hàng để hỗ trợ sẽ được nhân viên tư vấn giải thích và hướng dẫn các bước thực hiện. Nhân viên ngân hàng không chủ động gọi cho khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin hay cập nhật phần mềm, bởi lẽ các thông báo thay đổi chung sẽ được các ngân hàng gửi tin nhắn đồng loại với nội dung chung nhất đến khách hàng. Do đó, khi khách hàng nhận được điện thoại từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân, tài khoản thì cần tỉnh táo, đề phòng mắc bẫy lừa đảo.

Trước các tình huống lừa đảo phức tạp, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Khi được liên hệ bởi các cá nhân tự xưng là cán bộ làm việc tại ngân hàng, cơ quan công an, người dân cần xác minh lại thông qua số điện thoại được cung cấp trên cổng thông tin chính thống của các đơn vị trên. Tuyệt đối không ấn vào những đường link lạ; không cài đặt phần mềm từ nguồn không xác định.

Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với các lực lượng chức năng, cơ quan công an địa phương nhằm truy vết đối tượng và kịp thời ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Chuyên gia bảo mật hướng dẫn, trường hợp nghi ngờ bị kẻ xấu lừa đảo, người dân nên lập tức ngắt kết nối với đối tượng. Đơn giản là dập máy không nói chuyện, khóa hoặc chặn số nếu bị đối tượng gọi lại nhiều lần với cùng một nội dung hoặc có ý đe dọa. Đồng thời, chủ động gửi tin nhắn cảnh báo số điện thoại vừa gọi đến theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656) hoặc gọi điện (miễn phí) đến số 156 để thông báo tình hình và được trợ giúp./.

Ngọc Bích

Xem thêm