Khoa học

Tăng hiệu quả các nhiệm vụ khoa học - công nghệ quốc gia

Trong quá trình triển khai, các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là trong việc chuyển giao, định giá các kết quả nghiên cứu khoa học, được coi là tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở định hướng phát triển khoa học và công nghệ trọng tâm được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của đất nước, các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đã góp phần đưa nước ta đạt được những bước tiến đáng ghi nhận về chỉ số đổi mới sáng tạo, công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, sở hữu trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với hiệu quả thấy được từ Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia gắn với sửa đổi cơ chế chính sách, giúp thuận lợi hơn cho các nhà khoa học khi triển khai nhiệm vụ.

* Khả năng ứng dụng cao trên nhiều lĩnh vực

Các doanh nghiệp giới thiệu các thiết bị, sản phẩm khoa học công nghệ.
Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, qua sàng lọc, đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ để tuyển chọn thực hiện 19 chương trình, đặt hàng thực hiện 298 nhiệm vụ. Các đề tài nghiên cứu thuộc chương trình có khả năng ứng dụng cao; trong đó tại Chương trình KC.04 (Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0) trải đều trong các lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, nhà khoa học đã chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh.

Qua đó, giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp đồng thời có thể phát âm tiếng Anh chuẩn theo người bản ngữ. Lĩnh vực giáo dục còn ghi nhận một số kết quả của nhiệm vụ xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh. Lĩnh vực nông nghiệp, có các nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới và áp dụng thử nghiệm cho cây thanh long.

Lĩnh vực công nghiệp có các nghiên cứu phát triển tổ hợp robot ứng dụng trong dịch vụ logistics; chế tạo Cobot (Colaborative robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác giữa người và máy. Lĩnh vực phòng, chống thiên tai có các công trình chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho thành phố lớn dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo và hệ thống tin địa lý, ứng dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo ông Đào Ngọc Chiến, trong quá trình triển khai, các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là trong việc chuyển giao, định giá các kết quả nghiên cứu khoa học, được coi là tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Nghị định 70/2018/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Nghị định 70 có nội dung quy định rõ quyền sở hữu tài sản hình thành giữa hai loại đề tài, một là sử dụng một phần ngân sách nhà nước, dưới 30%; hai là sử dụng hoàn toàn ngân sách nhà nước. Theo nhiều nhà khoa học, với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có dưới 30% kinh phí do Nhà nước tài trợ, việc chuyển giao công nghệ, xử lý kết quả nghiên cứu được giao thẳng cho đơn vị chủ trì nên khá dễ dàng.

Tuy nhiên, với các nhiệm vụ được Nhà nước tài trợ hoàn toàn, các nhà khoa học không được chuyển giao những thành quả chính mình đang nghiên cứu bởi các kết quả nghiên cứu này thuộc về Nhà nước. Bên cạnh vướng mắc về quy định chuyển giao kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học còn băn khoăn về định giá công nghệ, mức chia sẻ lợi nhuận, quyền lợi các bên tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ…

Những vướng mắc này dẫn đến sự đình trệ trong quá trình đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống thực tiễn thời gian qua, dẫn đến không ít nghiên cứu khoa học phải “ngủ quên trong ngăn kéo”.

* Tái cơ cấu để tăng hiệu quả

Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thúc đẩy tái cơ cấu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia nhằm tăng tính hiệu quả của các nhiệm vụ cũng như tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tham gia Chương trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, việc tái cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện với nhiều lý do, trong đó tập trung vào chương trình trọng tâm trọng điểm, có tác động lan tỏa với phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai trong bối cảnh Chính phủ tiến hành nhiều đổi mới trong quản lý điều hành. "Mục đích điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Bộ quản lý 26 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, trong đó có 21 chương trình khoa học công nghệ (mã số K.C) và 5 chương trình khoa học xã hội nhân văn (mã số K.X).

Thời gian qua, Bộ tập trung sửa đổi bổ sung hàng loạt thông tư, từ xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách, nghiệm thu đánh giá và xử lý tài sản, tuyển chọn... Trong số này có Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Thông tư số 20, kết quả tuyển chọn phải được công bố trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại chương trình khoa học Net zero.
Ảnh: TTXVN phát

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 70 trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học công nghệ.

Nhận diện những hạn chế, bất cập trong quá trình vận hành các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã yêu cầu các thành viên Ban chủ nhiệm chương trình đẩy mạnh tìm kiếm nhiệm vụ tập trung các vấn đề cấp thiết, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Ông cũng đề nghị các thành viên Ban chủ nhiệm nghiên cứu lồng ghép các nội dung nghiên cứu khoa học, nhất là phát triển công nghệ phục vụ tăng năng suất lao động. Các nghiên cứu phải đo lường được tác động của công nghệ đối với năng suất lao động trong từng nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ./. 

 

PV

Tin liên quan

Xem thêm