Các chuyên gia thảo luận tìm ra những giải pháp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ để thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, trường đại học, đồng doanh nghiệp; góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại Hội thảo "Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ", các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường đã chia sẻ, thảo luận và tìm ra những giải pháp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ. Qua đó, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các viện, trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp; góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sự kiện là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 15/11, tại Cần Thơ.
Qua thực tiễn nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá, từ thương mại hóa kết quả khoa học - công nghệ đến thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ là một quá trình phức tạp. Ngoài ra, quy trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập. Nhiều sản phẩm được phát triển nhưng không nghiên cứu thị trường đầy đủ, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thực tế...
Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ đề xuất, Bộ Tài chính cần từng bước đưa chuẩn mực quốc tế về định giá vào trong định giá của Việt Nam. Tuy nhiên về định giá, đặc biệt là định giá tài sản vô hình là rất khó khăn và sản phẩm khoa học - công nghệ là những tài sản vô hình. Dù hiện nay đã có những chuẩn mực theo thông lệ chung nhưng quan trọng là phải có chính sách để bảo vệ các tổ chức, cá nhân và khuyến khích trong thực hiện chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ...
Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, thành phố hiện có chưa đến 20 doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa quan tâm đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên địa bàn thành phố hiện có trên 13.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.000 doanh nghiệp lớn và có công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đăng ký kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học - công nghệ để trở thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
Nhận định thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học là một vấn đề phức tạp, Tiến sĩ Thái Phương Vũ (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để thương mại hóa nhanh cần có những kết quả khoa học tuyệt vời và triển vọng phát triển trên thị trường (xã hội và kinh tế). Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ nhân viên có trình độ và kinh nghiệm, am hiểu luật pháp để hỗ trợ và xúc tiến thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học hiệu quả cũng rất cần thiết. Một đơn vị khai thác và triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học có đủ vốn và năng lực là một trong những yếu tố tạo nên thành công của việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Ông Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ nhận định, còn một số vướng mắc giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với Luật Khoa học và Công nghệ. Vì vậy, cần sửa đổi Nghị định 70 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng sẽ không hoàn trả lại tiền ngân sách Nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu các sản phẩm khoa học - công nghệ, để phục vụ chuyển giao các sản phẩm này. Nếu sửa đổi theo hướng này sẽ khuyến khích trong việc chuyển giao ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ./.