Lạng Sơn cần bảo vệ, phát huy giá trị hiện có của Công viên địa chất gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính bền vững.
Lạng Sơn cần bảo vệ, phát huy giá trị hiện có của Công viên địa chất gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo tính bền vững; đặc biệt là khai thác đặc trưng riêng có của địa phương để xây dựng mô hình Công viên địa chất khác biệt với các công viên địa chất khác... Đây là khuyến nghị từ các chuyên gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, ngày 10/7.
Bà Kristin Rangnes và ông Tuncer Demir - hai chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO cho rằng, Công viên địa chất Lạng Sơn cùng các công viên địa chất khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển, tránh việc cạnh tranh với nhau. UNESCO đã đưa ra yêu cầu đối với Công viên địa chất ứng viên là phải có những giá trị nổi bật về địa chất, cảnh quan thiên nhiên, nhất là phải có điểm khác biệt so với những công viên địa chất khác.
Theo các chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO, việc đánh giá các giá trị di sản địa chất đối với công viên địa chất do Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế thực hiện cho UNESCO. Báo cáo này có ý nghĩa lớn để UNESCO xem xét, công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu. Các chuyên gia nhấn mạnh, Lạng Sơn cần đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục cộng đồng về giá trị của di sản, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững, ổn định. Chính quyền, cơ quan chức năng cần có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách tại các điểm tham quan; đồng thời có sổ tay hướng dẫn, giới thiệu những giá trị nổi bật của từng khu, điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, giúp du khách nắm được các thông tin liên quan đến di sản...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên làm rõ thêm một số vấn đề Đoàn chuyên gia UNESCO đưa ra; đồng thời khẳng định, tỉnh tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO cũng như các nhà khoa học. Lạng Sơn cam kết tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho Công viên địa chất đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Tỉnh sẽ khai thác, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, lâu đời để phát triển, xây dựng Công viên địa chất mang bản sắc riêng...
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023, điều chỉnh phạm vi ranh giới tại 8/11 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Công viên địa chất Lạng Sơn có những giá trị đa dạng, khác biệt về địa chất và cảnh quan thiên nhiên, được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst…
Thời gian qua, tỉnh nỗ lực xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nhằm bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị di sản về địa chất, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của địa phương. Tỉnh bước đầu hình thành 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn gồm: Khám phá thế giới thượng ngàn; hành trình về miền thiên giới; cuộc sống dân dã nơi trần thế; đường đến thủy cung...
Trước đó, trong Chương trình thẩm định thực địa hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, từ ngày 6 - 9/7, Đoàn chuyên gia UNESCO đã thực địa tại 26/38 điểm tham quan trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn./.