Giáo dục

Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Quảng Trị

Năm 2024 tỉnh Quảng Trị có thêm 9.596 người được đào tạo nghề.

Tại Quảng Trị, công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm đã giúp cho nhiều lao động nông thôn có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống hoặc tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, năm 2024 Quảng Trị có thêm 9.596 người được đào tạo nghề. Trong đó, trình độ Cao đẳng 210 người, Trung cấp 1.424 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 7.962 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,16% (đạt 100% kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 33,5% (đạt 100% kế hoạch). Năm 2024, Quảng Trị đã tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2025 để làm cơ sở chia sẻ dữ liệu điều tra đến các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm triển khai tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị “Gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2024 - 2025”, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.

Quảng Trị hiện có 19 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 2 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 13 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh phát triển về quy mô và chất lượng thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tay nghề cũng được nâng lên. Các cơ sở đã chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo phù hợp với đối tượng người học, tăng cường các giờ giảng thực hành gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kết quả tốt nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, may công nghiệp…Với việc được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, người dân đã tạo ra lợi ích kinh tế khá cao, từ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, song song với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành lao động phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn. Đặc biệt, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và năng suất; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP... Công tác truyền thông, tư vấn, cung ứng, giới thiệu việc làm được Quảng Trị thực hiện thường xuyên để người dân biết, tìm kiếm việc làm; đặc biệt là mở rộng thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Năm 2024, Quảng Trị giải quyết việc làm cho hơn 14.700 lượt lao động (đạt 118% kế hoạch giao), trong đó, làm việc trong tỉnh 6.299 lượt; làm việc ngoài tỉnh 5.367 lượt lao động và 3.153 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Trị đã phân bổ hơn 200 tỷ đồng triển khai Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” để đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và tạo việc làm. Tỉnh thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, tỉnh rà soát, thống kê số lượng người dân có nhu cầu học nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo tuyển sinh, tổ chức các lớp phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn.

Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu năm 2025, giải quyết việc làm cho 14.000 lượt lao động, trong đó, đưa 2.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34%./.

Lê Hà Linh

Xem thêm