Tuyên Quang thực hiện các giải pháp đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; rà soát thực trạng lao động và thị trường lao động; hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đến hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện các giải pháp tạo việc làm cho người lao động, triển khai hiệu quả các chính sách về lao động, việc làm và xuất khẩu lao động của Trung ương, của tỉnh tới người lao động, giúp họ tiếp cận với thị trường lao động, chọn được việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.
* Nâng cao chất lượng lao động
Là cơ sở đào tạo nghề uy tín trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang không ngừng đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh đã ngày càng gắn với nhu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề đào tạo của nhà trường có tỷ lệ xin được việc làm cao, phù hợp với thực tế địa phương, thu hút được nhiều lao động nông thôn theo học.
Ông Đỗ Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, hiện nay, quy mô đào tạo của nhà trường là hơn 1.700 học sinh, sinh viên/năm; dự kiến đến năm 2025 nâng quy mô đào tạo lên 2.000 học sinh, sinh viên/năm. Nhà trường chú trọng đến công tác giáo dục theo năng lực, chú trọng các kỹ năng mềm, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ và phát triển kỹ năng nghề cho người học, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cho xã hội. Đồng thời, nhà trường chủ động liên doanh, liên kết trong việc giới thiệu và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp; tổ chức cho các doanh nghiệp trực tiếp tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng đối với học sinh, sinh viên..., góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay.
Nhằm tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận, nắm bắt được thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác lao động việc làm, xuất khẩu lao động, đặc biệt là thông tin về thị trường lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các huyện, thành phố, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và các phiên giao dịch online. Thông qua công tác giới thiệu việc làm, Sở đã kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng cung cấp cho người lao động trên địa bàn có nhu cầu, tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Bà Lê Thị Trang, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, thông qua hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động được tổ chức tại xã, gia đình bà đã mạnh dạn vay vốn, để đầu tư cho con trai và con dâu đi lao động tại Đài Loan (Trung Quốc). Có công việc ổn định, các con của bà gửi về cho gia đình trung bình khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Đến nay, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi, mua được 3 ha đất trồng rừng, đầu tư nuôi trên 100 đàn ong để phát triển kinh tế.
* Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 26.300 lao động, đạt trên 116% kế hoạch năm. Trong đó, trên 16.500 lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trên 8.200 người; lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là gần 1.500 người.
Trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và các huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm ở tất cả các huyện và thành phố, mỗi phiên thu hút từ 1.000 đến 2.000 người tham gia. Tại các phiên giao dịch, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề đã giới thiệu hàng chục nghìn vị trí việc làm, tuyển sinh và học nghề, giúp người lao động tiếp cận được với công việc phù hợp.
Năm 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 23.500 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, nắm tình hình việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công tại tỉnh, nhất là việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp và giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Sở tích cực tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; rà soát nắm chắc thực trạng lao động và thị trường lao động, triển khai công tác giải quyết việc làm đồng bộ, từ khâu hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đến hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…/.