Các hoạt động cụ thể được triển khai năm 2025 gồm: hỗ trợ sửa nhà, chữa bệnh, hỗ trợ đào tạo nghề để nạn nhân có thể tự nuôi sống, vươn lên khắc phục khó khăn của bản thân.
Với chủ đề năm 2025 là Sinh kế và Hòa nhập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục cụ thể hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028 đã đề ra; tổ chức, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ để làm rõ các hoạt động theo hướng hiệu lực, hiệu quả.
Đây là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức sáng 26/12, tại Hà Nội.
Nhiệm vụ tiếp theo được Hội đề ra là: Đổi mới trong cách vận động nguồn lực theo phương châm hướng về nạn nhân, cơ sở, từ đó nhận thức sâu hơn, cụ thể hơn, trách nhiệm hơn hỗ trợ người có công, người nghèo và nạn nhân da cam.
Các hoạt động cụ thể được triển khai gồm: hỗ trợ sửa nhà, chữa bệnh, hỗ trợ đào tạo nghề để nạn nhân có thể tự nuôi sống, vươn lên khắc phục khó khăn của bản thân.
Ngoài ra, Hội tiếp tục đề nghị giải quyết các trường hợp hồ sơ còn thiếu so với quy định hiện nay; đề nghị để có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù có mức hưởng cao hơn và được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội đối với thế hệ thứ 3 (cháu) của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam. Song song đó, tiếp tục tiếp cận với các kênh hợp tác quốc tế để kêu gọi vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế và bạn bè các nước truyền thống.
Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tích cực, chủ động huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội để chung tay giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân da cam. Theo báo cáo của các tỉnh, thành hội và của Quỹ Nạn nhân Trung ương Hội, năm 2024, các cấp Hội đã huy động được hơn 521 tỷ đồng.
Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Các cấp hội đã hỗ trợ xây mới và cải tạo 924 căn nhà với kinh phí hơn 36 tỷ đồng; nuôi dưỡng thường xuyên gần 3.900 nạn nhân tại trung tâm và cộng đồng với tổng kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, hội đã trao, tặng hơn 250.000 suất hỗ trợ với tổng giá trị gần 243 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như: cấp 15.407 suất học bổng; hỗ trợ sản xuất cho 2.198 trường hợp; tặng 2.662 xe lăn, xe đạp; thăm hỏi đột xuất nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ với gần 1,6 triệu suất hỗ trợ.
Theo Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đạt được những kết quả này nhờ sự nỗ lực đồng bộ của toàn hệ thống tổ chức Hội trên cả nước với 63/63 tỉnh, thành hội; 638 huyện, quận hội; 6.668 hội cơ sở xã, phường, thị trấn; 373.484 hội viên trong việc huy động nguồn lực từ chính quyền, các tổ chức, các nhà hảo tâm và toàn xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Dịp này, Trung ương Hội cũng tặng Cờ thưởng thi đua cho 10 tập thể; tặng Bằng khen cho 34 tập thể, 37 cá nhân có thành tích trong các hoạt động vì nạn nhân da cam trong năm 2024./.
- Từ khóa:
- nạn nhân
- chất độc da cam