Trung tâm chăm sóc nạn nhân da cam ở Quảng Ngãi phải dừng hoạt động vì không còn kinh phí
Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Quảng Ngãi không còn đủ khả năng hỗ trợ người chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân tại Trung tâm nên đơn vị quyết định tạm dừng hoạt động để chờ huy động được nguồn kinh phí.
Những ngày qua, thông tin Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) phải tạm dừng hoạt động vì thiếu kinh phí đã gây lo lắng cho các gia đình có con em là nạn nhân chất độc da cam.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, các nạn nhân da cam ở huyện đều có chế độ theo quy của Nhà nước. Trung tâm phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng được thành lập năm 2012 theo hình thức xã hội hóa. Trước mắt, để tạo điều kiện tốt hơn cho các nạn nhân da cam, UBND huyện Tư Nghĩa sẽ vận động kinh phí hỗ trợ Trung tâm 50 triệu đồng mỗi năm; giúp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh duy trì hoạt động của Trung tâm. Về lâu dài, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng bên liên quan rà soát, đánh giá lại. Nếu có đủ các điều về mặt pháp lý, địa phương sẽ đề xuất các hình thức bố trí kinh phí để duy trì hoạt động của Trung tâm.
Theo ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng, đơn vị hoạt động từ năm 2012. Những năm qua tại Trung tâm đã có hàng chục lượt nạn nhân, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam được hỗ trợ phục hồi hòa nhập tốt, có việc làm. Năm 2024, Trung tâm có 15 em, trong đó có 9 em thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hiện mỗi tháng, đơn vị cần khoảng 11 triệu đồng để trả công cho 3 người quản lý, hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân. Việc Trung tâm phải tạm dừng hoạt động từ ngày 1/11/2024 do Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh không còn kinh phí hỗ trợ khiến các gia đình có con em đang được chăm sóc tại đây rất lo lắng.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Thinh cho biết, Trung tâm hoạt động được từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên hiện nay, việc vận động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam ngày càng khó khăn. Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh không còn đủ khả năng hỗ trợ người chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân tại Trung tâm nêu trên. Do đó, đơn vị quyết định tạm dừng hoạt động để chờ huy động được nguồn kinh phí.
Ông Võ Sinh Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) chia sẻ, các xã phía Tây huyện Tư Nghĩa có nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Riêng xã Nghĩa Thắng có 47 người nhiễm chất độc da cam, 35 trường hợp là con đẻ của người nhiễm. Các gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn.
“Trung tâm dừng hoạt động gây nhiều khó khăn con em và gia đình các nạn nhân. UBND xã mong muốn các cấp, sở, ngành tiếp tục quan tâm duy trì Trung tâm để chăm lo cho các nạn nhân, san sẻ bớt gánh nặng cho các gia đình nạn nhân cũng như con em của họ” - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng nói./.