Đây là mô hình do Tiến sỹ Phạm Đi đề xuất tại hội thảo khoa học nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngày 26/12, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đây là một trong 5 hội thảo khoa học quan trọng được tỉnh tổ chức nhằm phục vụ công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu trên các lĩnh vực an sinh xã hội trao đổi, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại tỉnh trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình trong nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề xã hội mới phát sinh sẽ là thách thức lớn cho việc đổi mới công tác quản lý, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Vì vậy, công tác nghiên cứu, đánh giá, hoạch định cơ chế, chính sách liên quan cần được tiếp tục khẩn trương triển khai, trên cơ sở kế thừa thành tựu, các bài học kinh nghiệm quý báu thời gian qua để tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng; xác định đúng, trúng các vấn đề của bối cảnh mới; đề ra các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn, các giải pháp mang tính khách quan, khoa học, đột phá để đời sống nhân dân ngày một nâng cao, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo.
Tiến Sỹ Phạm Đi, Giảng viên Học viên Chính trị khu vực III cho rằng, Quảng Nam cần tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như: quán triệt thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội của Trung ương; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…
Tiến sỹ Phạm Đi cũng đề xuất mô hình an sinh xã hội cho Quảng Nam với tên gọi “3 tăng, 3 giảm, 4 duy trì”. Ba tăng gồm: Tăng đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ an sinh xã hội; tăng cơ hội việc làm và sinh kế bền vững; tăng độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ba giảm gồm: Giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; giảm bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội; giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến đời sống người dân. Bốn duy trì gồm: Duy trì chính sách đối với người có công; duy trì chính sách giảm nghèo bền vững; duy trì mô hình phát triển giáo dục và đào tạo nghề; duy trì các chính sách y tế toàn dân.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm vấn đề lớn như: Nhận diện, đánh giá kết quả triển khai thực hiện trên các lĩnh vực về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; ưu đãi người có công với cách mạng; trợ giúp xã hội; chăm sóc sức khỏe nhân dân; giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; sắp xếp, ổn định dân cư khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với nâng cao thu nhập cho người dân…
Các đại biểu cũng đánh giá, đề xuất gợi mở việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan nhằm giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, làm cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030./.