Chỉ đạo, Điều hành

Để “hội Xuân” không cản trở ”tăng tốc bứt phá”

Muốn cả nước đạt được các chỉ tiêu chủ chốt thì từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ của mình. Để cả năm 2025 thành công thì tháng giêng (âm lịch) cũng không là ngoại lệ.

Người bệnh được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 
Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ký ngày 4/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán phải tập trung ngay xử lý công việc, nhất là các công việc chưa hoàn thành trong năm 2024, công việc còn dở dang do nghỉ Tết, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự - an toàn xã hội.

Nhiệm vụ đặt ra trước mọi ngành, địa phương rất rõ ràng: Tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các đề án, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững.

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhất là các ngành công nghiệp chủ lực; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án sản xuất công nghiệp để sớm đưa vào vận hành.

Sau Tết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan có trách nhiệm đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện quan trọng; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất phù hợp, hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2025…

“Tăng tốc bứt phá” là cụm từ khóa ấn tượng trong loạt từ khóa mang tính quyết liệt thuộc về chủ đề điều hành năm 2025 của Chính phủ, gồm: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".

Thiếu tăng tốc bứt phá thì chẳng thể đạt được những mục tiêu không hề dễ dàng trong năm Ất Tỵ - phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, đưa tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách, tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phần kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2025 diễn ra vào ngày 5/2.

Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi đây là năm về đích nhiệm kỳ 2021 – 2025 Đại hội XIII của Đảng, cũng là thời điểm khởi động cho nhiệm kỳ 2026 – 2031 Đại hội XIV.

Muốn cả nước đạt được các chỉ tiêu chủ chốt thì từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ của mình. Để cả năm 2025 thành công thì từng quý, từng tháng cũng phải thành công. Tháng giêng (âm lịch) cũng không là ngoại lệ.

Tháng giêng nói riêng và mùa Xuân nói chung là mùa lễ hội theo truyền thống.

Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội). 
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian (chiếm hơn 88%). Có tới 2/3 lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo được tổ chức vào mùa Xuân, cũng là thời điểm nông nhàn.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, quan niệm “Tháng giêng là tháng ăn chơi” không còn phù hợp theo nghĩa đen. Song ý nghĩa tích cực về khía cạnh tinh thần, văn hóa – du lịch của lễ hội Xuân vẫn cần được gìn giữ, phát huy.

Điều mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong mùa Xuân Ất Tỵ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân, du khách trong việc thực hiện quy định về tổ chức lễ hội, không tổ chức lễ hội tràn lan, gây lãng phí.

“Tháng giêng ăn chơi” là nỗi lo triền miên của các chủ doanh nghiệp mỗi dịp nghỉ Tết bởi tỉnh trạng người lao động không trở lại nơi làm việc hoặc trở lại muộn. Nhưng nếu các doanh nghiệp có cơ chế giữ chân công nhân hợp lý, hợp tình và có sự hỗ trợ về chính sách từ phía các ngành, các cấp thì tình trạng này sẽ được khắc phục.

Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sẽ là Bộ Nội vụ mới sau khi bộ này được sáp nhập với Bộ Nội vụ) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt thị trường lao động, tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất.

Công ty TNHH Kỹ nghệ Cửa Ý - Á Châu khởi động năm mới với khí thế sản xuất sôi động với 1.000 công nhân có mặt đầy đủ tại nhà máy ở thành phố Tân Uyên, Bình Dương. 
Ảnh: TTXVN phát

Các thông tin từ địa phương cho thấy vào thời kỳ hậu Tết năm nay hầu như không diễn ra sự thiếu hụt đáng kể về nhân lực ỏ các doanh nghiệp lớn. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng… có từ 80% trở lên số người lao động đã trở lại làm việc bình thường từ ngày 3/2 (tức mùng 6 Tết).

Tiếp đến, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du Xuân, chúc Tết, không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi…

Như vậy, người dân cứ du Xuân và điều này không nhất thiết, chính xác hơn không phải là lý do cản trở các cơ quan, tổ chức nhanh chóng ổn định hoạt động bình thường, các doanh nghiệp bứt tốc sản xuất ngay từ đầu năm./.

 

Trần Quang Vinh

Xem thêm