Môi trường

Đề xuất giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trước tác động của biến đổi khí hậu

Việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các giải pháp thích ứng hiệu quả nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam”. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN)- Ngày 22/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam". 

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo, Trung tâm Khoa học công nghệ nuôi biển, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Quốc phòng) và một số trường đại học…

Khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: hội thảo là hoạt động nằm trong Chương trình Biển được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024. Chương trình có mục tiêu “Nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam”, từ đó, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách đối với biển và đại dương của Việt Nam từ nay đến năm 2035, tầm nhìn 2045, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Theo Phó Giáo sư, Trần Thị Lan Hương, ngành Thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm 2022, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, chiếm 3% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; chiếm 7% thị phần của thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Sản lượng thủy sản tăng liên tục, từ 6,56 triệu tấn năm 2015 lên 9,05 triệu tấn năm 2022, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 57%, khai thác thủy sản chiếm 43%.

Để phát huy lợi thế kinh tế biển và thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, ông Hà Thanh Biên, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 36 của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra mục tiêu tổng quát: "Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng". Với Nghị quyết này, cần có những giải pháp cụ thể trong phát triển nuôi trồng thủy sản thời gian tới.

Chia sẻ giải pháp về sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ông Hà Thanh Biên cho rằng, để thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản, cần áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả như: Đa dạng hóa khi nuôi trồng các loài thủy sản, áp dụng kỹ thuật nuôi trồng thông minh, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác cộng đồng, chia sẻ thông tin, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển... 

Tiến sỹ Ngân Ngọc Vỹ, Trung tâm Tăng trưởng xanh và Bảo vệ môi trường, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đánh giá, các tác động của biến đổi khí hậu tới các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cùng các chiến lược, chính sách hiện hành về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang tồn tại một số khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành Thủy sản. 

Việc xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các giải pháp thích ứng hiệu quả nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là rất cần thiết, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản. Điển hình như việc tăng cường quản lý nhà nước và lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ngành.

Theo Tiến sỹ Ngân Ngọc Vỹ, cần tích hợp, lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu vào trong chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ngành thủy sản. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần sớm chủ động xây dựng hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa các quy định hướng dẫn chi tiết về đánh giá tác động, đánh giá tính dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. 

Việc hoàn thiện cơ chế chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn khởi động của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các vấn đề liên quan đến thực trạng, giải pháp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; khả năng và biện pháp ứng phó của ngành; đề xuất, kiến nghị giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam./.

Lý Thanh Hương

Xem thêm