Một số quy định của Nghị định 55 bộc lộ bất cập, hạn chế khiến các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và hướng dẫn tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, ngày 24/6/2019 của Chính phủ. Chính sách này nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực, kỹ năng thực hiện pháp luật cho đội ngũ quản lý, pháp chế của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó giúp các doanh nghiệp phòng ngừa, hạn chế rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP và kết quả tổ chức các hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, một số quy định của Nghị định 55 bộc lộ bất cập, hạn chế khiến các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, trước yêu cầu, bối cảnh mới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra, cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 55 nhằm thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phòng tránh rủi ro pháp lý, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội.
Góp ý về Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, một số doanh nghiệp cho rằng, công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương chưa thực sự hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong hỗ trợ, tư vấn khi doanh nghiệp có yêu cầu; chất lượng, hiệu quả chưa cao, các doanh nghiệp chưa mặn mà, chưa chủ động đề nghị được hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc bố trí ngân sách thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không có...
Từ thực tế này, các doanh nghiệp đề nghị cần hướng dẫn cụ thể việc xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức, nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được tổng hợp và đánh giá kỹ lưỡng, tạo cơ sở thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Việc này nhằm hướng tới đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, bối cảnh mới trong giai đoạn phát triển hiện nay. Những điều chỉnh này không chỉ giúp nâng cao chất lượng hỗ trợ mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong môi trường kinh tế ngày càng năng động./.