Một số kiểm sát viên tại phiên tòa thực hiện chưa tốt nhiệm vụ, vai trò tại phiên tòa, còn lúng túng khi xử lý các tình huống phát sinh, chưa bảo vệ được quan điểm của Viện Kiểm sát.
Ngày 1/11, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong xét xử các vụ án hình sự. Chương trình được truyền trực tuyến từ điểm cầu Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tới 30 điểm cầu thuộc Viện Kiểm sát các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, nhằm giúp các kiểm sát trau dồi kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm tranh tụng tại các phiên tòa hình sự.
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, giúp đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện Kiểm sát; đồng thời là căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án và là cơ sở để Hội đồng xét xử ra bản án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đây còn là biện pháp giúp kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng luôn giữ tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan khi đưa ra ý kiến của mình.
Những năm gần đây, hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên hai cấp thành phố Hà Nội được chú trọng nâng cao. Đa số kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa hình sự đã nắm chắc chứng cứ của vụ án, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, bản luận tội, chủ động trong đối đáp tranh luận với bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác cùng Hội đồng xét xử tìm ra sự thật khách quan của vụ án; đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất việc oan, sai và bỏ lọt người phạm tội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số kiểm sát viên tại phiên tòa thực hiện chưa tốt nhiệm vụ, vai trò tại phiên tòa, còn lúng túng khi xử lý các tình huống phát sinh, chưa bảo vệ được quan điểm của Viện Kiểm sát.
Kiểm sát viên Phạm Tú Anh (Trưởng Phòng 7, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng, để chuẩn bị tốt công tác tranh tụng tại phiên tòa, kỹ năng đầu tiên mà các kiểm sát viên cần chú trọng là nghiên cứu kỹ hồ sơ, chủ động chuẩn bị các tình huống diễn biến tại phiên tòa, tóm gọn các ý kiến của luật sư theo từng nhóm vấn đề mà không dàn trải, lan man.
Theo bà Phạm Tú Anh, trên thực tế, kết quả tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa là kết tinh của cả một quá trình chuẩn bị từ giai đoạn trước và trong phiên tòa. Kiểm sát viên phải nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi tham gia phiên tòa, nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ vụ án, rèn luyện kỹ năng xây dựng các văn bản tố tụng, kỹ năng xét hỏi, đối đáp, tranh luận tại phiên tòa... Phần xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm được xem là nền tảng của việc tranh tụng. Phần tranh luận có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xét hỏi công khai tại phiên tòa. Thông qua xét hỏi để xác định đầy đủ các tình tiết có ý nghĩa quan trọng trong vụ án, làm cơ sở bảo vệ quan điểm lập luận của các bên.
Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Tú Anh, ông Nguyễn Minh Đức (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, việc xét hỏi càng đúng trọng tâm, cụ thể và chi tiết bao nhiêu thì càng củng cố cho lập luận của mình vững chắc bấy nhiêu. Phần tranh luận tại phiên tòa hình sự được xem là giai đoạn trung tâm của quá trình tranh tụng. Các chứng cứ nêu trong luận tội phải là các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa ở giai đoạn xét hỏi.
Việc đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, vai trò, vị trí, trách nhiệm của bị cáo trong vụ án… phải bảo đảm chính xác. Trước khi trình bày luận tội, kiểm sát viên phải đánh giá lại kết quả của phần xét hỏi, làm rõ nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đối chiếu lại nội dung của cáo trạng. Kiểm sát viên phải kịp thời bổ sung những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa vào nội dung bản luận tội để làm cơ sở đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo.
Thực tế tranh tụng tại phiên tòa cho thấy, luận tội của kiểm sát viên tại phiên tòa phải có tính thuyết phục, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Trong đó, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của những người tham gia tố tụng (nếu có). Nếu các ý kiến có nội dung trùng nhau thì có thể trả lời theo nhóm vấn đề. Nắm chắc được những quy định này, kiểm sát viên sẽ làm chủ được các luận cứ bảo vệ quan điểm luận tội của mình.
Tại chương trình, các ý kiến tham gia còn tập trung thảo luận, đánh giá, trao đổi kinh nghiệm nhấn mạnh vào các kỹ năng mềm như: nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét hỏi, trình bày luận tội, tranh luận… Đây là những kỹ năng thể hiện trình độ chuyên môn và bản lĩnh của kiểm sát viên - đại diện cho cơ quan công tố Nhà nước tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay./.