Hội nghị thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong công tác kiểm sát, xét xử và đề ra giải pháp nâng cao công tác xét xử, kiểm sát xét xử trong thời gian tới.
Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về các vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa đã được Liên ngành Viện Kiểm sát - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 17/10.
* Tham gia thảo luận trực tuyến
Cùng với điểm cầu tại thành phố, 30 điểm cầu còn lại tại trụ sở Viện Kiểm sát các quận, huyện thị xã trên địa bàn đã tham gia thảo luận trực tuyến, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong công tác kiểm sát, xét xử và đề ra giải pháp nâng cao công tác xét xử, kiểm sát xét xử trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, quá trình xét xử các vụ án Dân sự - Hôn nhân gia đình, vẫn còn nhiều bản án, quyết định có sai sót, vi phạm về tố tụng hoặc nội dung. Mặc dù số án sửa, hủy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số vụ án đã giải quyết, tuy nhiên, các vụ án Dân sự - Hôn nhân gia đình bị sửa, hủy hiện nay có xu hướng tăng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Có những vụ việc tưởng hết sức đơn giản nhưng lại bị kéo dài bởi xác định sai thẩm quyền giải quyết, thường gặp ở các trường hợp như: Tòa án xác định không đúng nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có bất động sản tranh chấp nên thụ lý, xét xử sai thẩm quyền theo lãnh thổ, hoặc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố nhưng Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết. Đơn cử như vụ tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hủy Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nguyên đơn bà Tài Thị P và bị đơn ông Nguyễn Xuân K, bà Nguyễn Thị L. Chị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hiện đang sinh sống tại Nhật Bản nhưng Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) không xác minh cụ thể nơi cư trú của chị T để xác định thẩm quyền giải quyết. Mặt khác, nguyên đơn yêu cầu hủy các quyết định của UBND huyện liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi 2 thửa đất, yêu cầu UBND huyện thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với 2 thửa đất trên cho gia đình, các yêu cầu này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (theo quy định tại điều 3, 30, khoản 4, Điều 32 - Luật Tố tụng hành chính năm 2015) nhưng Tòa án cấp huyện vẫn thụ lý là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong số các vụ án sửa toàn bộ bản án hoặc sửa một phần đáng kể, có tới gần 50% số vụ có kháng nghị của Viện Kiểm sát, chủ yếu tập trung vào các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, hợp đồng có sai sót trong đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nhưng chưa đến mức phải hủy án hoặc những vụ án có vi phạm về tố tụng, vi phạm về nội dung nhưng những sai sót, vi phạm đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục.
* Hạn chế tối đa các vụ án bị hủy, bị sửa
Từ thực tế này, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đào Sỹ Hùng xác định: Năm 2025, liên ngành Tòa án - Viện Kiểm sát phải giải quyết dứt điểm loại vụ việc này hoặc hạn chế đến mức tối đa các vụ án bị hủy, bị sửa hoặc bị tồn đọng kéo dài… Qua thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều phương án hiệu quả, từ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thu thập, đánh giá chứng cứ và đổi mới phương pháp điều tra, đảm bảo xét xử đúng pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết nhiều vụ án đặc biệt đối với vụ án tồn đọng, quá hạn trong thời gian tới.
Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều lý do dẫn đến việc hủy, sửa án. Ngoài những vụ án bị sửa, hủy do phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm, phần còn lại vi phạm chủ yếu và phổ biến dẫn đến Tòa sửa, hủy án là những vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định của pháp luật như: thụ lý không đúng thẩm quyền, xác định không đúng quan hệ pháp luật, xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, vi phạm trong đánh giá, xác minh, thu thập chứng cứ; các vi phạm về tính án phí, lệ phí…
Tuy nhiên, trong số các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng án bị sửa, hủy thì yếu tố chất lượng, trình độ năng lực đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.
Đánh giá về nội dung phát biểu của các kiểm sát viên tại phiên tòa, ông Trần Xuân Huệ (Trưởng Phòng 9, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng: Bên cạnh những bài phát biểu tốt, vẫn còn có những “hạt sạn” trong bài phát biểu của kiểm sát viên như chưa nghiên cứu sâu, chưa đánh giá chứng cứ đầy đủ, toàn diện, bài phát biểu mang tính chất sơ sài, chưa nêu bật được những nội dung tố tụng, chưa thể hiện được vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát. “Qua hội nghị này, chúng tôi cũng muốn rút kinh nghiệm tới kiểm sát viên 2 cấp, để từ đó nâng cao chất lượng của các bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, nâng cao vị thế của Viện Kiểm sát…”, ông Huệ nhấn mạnh.
Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng cũng khẳng định số lượng các vụ án bị sửa, hủy ngày càng nhiều có một phần nguyên nhân do các thẩm phán bị quá tải số vụ án thụ lý giải quyết. Theo thống kê, số lượng án thụ lý năm sau thường nhiều hơn năm trước khoảng 8-10%, trong khi số lượng thẩm phán không được tăng thêm, dẫn đến việc quá tải thụ lý xét xử cho thẩm phán. Trung bình mỗi thẩm phán phải giải quyết từ 60-80 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình mỗi năm. Do vậy, Phó Chánh án kiến nghị các cấp Trung ương, thành phố xem xét, bố trí tăng biên chế cán bộ cho Tòa án, đảm bảo chất lượng công tác xét xử./.