Thời sự

Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển

Cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi, đã tạo nên “chiếc áo quá chật” làm phát sinh nhiều chính sách đặc thù để các địa phương phát triển.

Quang cảnh hội thảo

Đất nước muốn bước vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh, phải tháo gỡ, khai thông các điểm nghẽn, đặc biệt là thể chế. Quan điểm trên được Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu lên tại Hội thảo khoa học “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển”, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức sáng 11/2, tại Hà Nội.

Thể chế chưa theo kịp tiến trình phát triển

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho hay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của sự đổi mới, sáng tạo và phát triển. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, cần một hệ thống thể chế đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một tư duy đổi mới mạnh mẽ, một quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng lòng của toàn xã hội. Chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

Trong bối cảnh này, thể chế không chỉ là khung khổ pháp lý, mà còn là động lực quan trọng định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thể chế hiện nay chưa theo kịp tiến trình phát triển, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, những rào cản về cơ chế, chính sách đang làm chậm sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu.
 Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Trong phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV,  Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, trong đó chất lượng xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

“Việc nghiên cứu các điểm nghẽn thể chế và đưa ra các giải pháp đột phá khơi thông để phát triển trong kỷ nguyên mới là rất cần thiết”, ông nói.

Theo Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, quá trình phát triển đất nước hiện nay, từ tư duy cho đến hoàn thiện thể chế vẫn chậm đổi mới, chưa phù hợp với yêu cầu, bối cảnh của đất nước, đang trở thành lực cản rất lớn, tạo nên các điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển.

Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Hệ thống pháp luật dù đã quan tâm tập trung xây dựng, hoàn thiện, nhưng còn phức tạp, thiếu ổn định, chất lượng thấp, tuổi thọ không cao; nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; tạo ra nhiều bẫy rủi ro về pháp lý, về chính sách, dễ bị hình sự hóa trong quá trình thực hiện.

Cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi, đã tạo nên “chiếc áo quá chật” làm phát sinh nhiều chính sách đặc thù để các địa phương phát triển. “Khi đặc thù quá nhiều đã trở thành không còn là đặc thù nữa”.

Ông cũng chỉ ra rằng các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và chế độ công vụ, công chức có nhiều điểm nghẽn. Tổ chức bộ máy đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn nhưng vẫn nửa vời, thiếu đồng bộ, tổng thể và toàn diện, còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian.

Việc phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương vẫn mang tính hình thức, nhiều quy trình thủ tục… Cơ cấu tổ chức Chính phủ dù được tinh gọn nhưng chưa thực sự là Chính phủ trong nền kinh tế thị trường.

Nguyên nhân những điểm nghẽn liên quan đến thể chế pháp luật chính là do tư duy, nhận thức chậm thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Tư duy ‘ngồi im’, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo ‘lối mòn’, vẫn ‘bình mới rượu cũ’, sa vào duy ý chí, giáo điều. Rất dễ sa vào tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này thì lại tạo ra điểm nghẽn khác”, nhấn mạnh điều này, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn cho rằng, bước vào kỷ nguyên mới, tư duy cũng phải “vươn mình”, phải thay đổi để xây dựng các “chủ thuyết” phát triển trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực xây dựng pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng.

Thay đổi tư duy, điều đầu tiên phải loại bỏ hết các dấu ấn tư duy kế hoạch hóa tập trung, nhà nước chuyên chính vô sản trước đây để chuyển sang tư duy thị trường, tư duy hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn của thể chế cần chú ý xây dựng nền công vụ, coi yếu tố con người là trung tâm, là gốc rễ.

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu. 
Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”

Nhận định chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với tư duy: “Chính phủ có thể làm hết tất cả mọi việc”, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường, để từ đó, thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”; “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”, theo Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, việc của địa phương phải để địa phương quyết, thực hiện và chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương với chính quyền địa phương. Chính phủ phải mạnh dạn hơn giao việc thực hiện các dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện.

Nhìn từ góc độ lập pháp, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, phải có kỹ thuật lập pháp tốt, quy trình lập pháp tốt, công nghệ làm luật hiện đại. Hoạch định, theo đuổi chính sách lập pháp là việc của Chính phủ.

“Chính phủ phải có quyền bảo vệ chính sách lập pháp của mình đến tận cùng, Quốc hội không thông qua không có nghĩa là Quốc hội lại ‘đẻ’ ra một chính sách mới để Chính phủ phải thi hành. Quan niệm như vậy thì hệ thống pháp luật không thể tốt được”, ông Dũng khẳng định.

Tán thành với quan điểm sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “Chính phủ theo dự luật đến cùng”, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Chính phủ điều hành đất nước, thấy có vấn đề, nghiên cứu vấn đề đó, để ra chính sách lập pháp, đề ra các giải pháp lập pháp và đánh giá tác động của chính sách để xử lý vấn đề đó. Chính phủ đưa ra Quốc hội, Quốc hội đồng ý hay không, thẩm định xem có đúng hay không, chứ không phải Quốc hội đề ra một chính sách khác, không phải là vấn đề Chính phủ đang cần, đang xử lý.

“Lúc tôi là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vừa là chuyên gia tư vấn của Thủ tướng, tôi thấy cái nào Quốc hội sửa theo ý của Quốc hội là Chính phủ không thực thi được”, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, “Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ, tất cả mọi công việc của đất nước dồn lên cho Thủ tướng thì không tắc mới là chuyện lạ”, vì vậy phải phân cấp, phân quyền theo một mô hình triệt để, đó là mô hình bổ trợ. Cái gì địa phương làm được thì phân hết cho địa phương, chỉ có những gì địa phương không làm được mới phân cho trung ương. Đã phân cho địa phương là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tham luận tại Hội thảo.
Ảnh: Thu Hằng

Trong phân cấp, phân quyền “không nên coi chính quyền địa phương là cánh tay vươn dài của Trung ương. Chính quyền địa phương là thực thể sống động như Tổng Bí thư Tô Lâm nói ‘địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm’. Như vậy chính quyền địa phương tự chủ cao hơn. Không phải Chính phủ lo từng cái kim, sợi chỉ ở Hà Nội cũng như ở Minh Hải, cháy rừng ở đâu cũng Chính phủ lo”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu.

Theo ông cần phân cấp, phân quyền rõ ràng. Luật chỉ quy định về phân quyền và nguyên tắc phân cấp, còn nghị định sẽ quy định phân cấp cụ thể. Thẩm quyền phân cấp cụ thể là cơ quan được phân quyền, nhưng nguyên tắc phân cấp là phân quyền quyết định. Cái chính là phân quyền./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm