Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam giải đáp những vấn đề về sản xuất nông nghiệp
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân cả nước, trong đó có địa phương khu vực phía Bắc liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Đặc biệt, là chia sẻ những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả, nêu lên kiến nghị, đề xuất giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam giải đáp những vấn đề về sản xuất nông nghiệp như: Cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai; những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024.
Bên cạnh đó, các đại biểu giới thiệu nhiều sáng kiến, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn nông dân bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị với Hội và cơ quan nhà nước để làm tốt hơn lĩnh vực này. Đặc biệt, các đại biểu chia sẻ mô hình quản lý, thu gom, xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp; biện pháp quản lý hóa chất bảo vệ thực vật…theo hướng tái chế, tái sử dụng, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, trồng dâu nuôi tằm hiện đang mang lại thu nhập cao đến 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn 180 triệu đồng/năm. Toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hóa học có chứa đạm vô cơ giúp bảo vệ môi trường, tạo dinh dưỡng cho đất. Hợp tác xã đang làm việc với nhiều địa phương để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Hiện cơ hội xuất khẩu các sản phẩm tơ tằm, tơ lụa của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhất là tại thị trường Ấn Độ.
Về việc trồng dâu theo vùng lớn có thể được đo đếm và cấp chứng nhận tín chỉ carbon, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm, hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon là hợp với thực tiễn. Hiện nay, nhu cầu phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã góp phần chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính, việc chuyển đổi này có thể thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Cây dâu tằm có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc. Nếu đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học...áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp có tiềm năng bán tín chỉ carbon. Sắp tới, Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương và nông dân hướng tới xây dựng phương thức cấp chứng chỉ carbon ở diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ việc tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sinh kế bền vững và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.../.