Xã hội

Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

Chương trình diễn tập giúp nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện và xử lý sự cố cho đội ứng cứu sự cố; kịp thời phát hiện các điểm yếu về con người, công nghệ, quy trình để có biện pháp gia cố, tăng khả năng phản ứng nhanh, xử lý kịp thời khi có tấn công xảy ra.


Lãnh đạo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam chia sẻ về bức tranh an toàn thông tin Việt Nam. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Sáng 17/12, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội An toàn thông tin - Chi hội phía Nam (VNISA phía Nam) đã khai mạc Chương trình “Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng Thành phố Hồ Chí Minh 2024”. Diễn tập tấn công và phòng thủ diễn ra ngay trên hệ thống ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tham gia là các đơn vị có thế mạnh, uy tín và đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thông tin. Các đội sẽ diễn tập tấn công và phòng thủ liên tục từ 10 giờ ngày 17/12 đến 20 giờ ngày 21/12 trên hệ thống thật là ứng dụng “Công dân số Thành phố Hồ Chí Minh” - một nền tảng quan trọng giúp kết nối giữa người dân và chính quyền Thành phố.

Các đội tấn công gồm: Trung tâm 286 (Bộ Tư lệnh 86), Trung tâm An ninh mạng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty An ninh mạng Viettel, Công ty An toàn thông tin - Tập đoàn VNPT, Công ty Dịch vụ công nghệ tin học HPT, Công ty GalaxyOne, Công ty công nghệ DTG. Đội phòng thủ là tập hợp đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố, Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Thành phố, đội ngũ kỹ thuật an ninh mạng thuộc các nhà cung cấp dịch vụ hệ thống thông tin.

Ban Tổ chức công bố các đội tham gia diễn tập thực chiến. 
Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Bên cạnh diễn tập, chương trình còn đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ phụ trách công nghệ thông tin các sở, ngành, quận, huyện, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước với 3 kịch bản giả định tấn công, phòng thủ trên thao trường mô phỏng: Tác chiến phòng, chống tấn công ransomware vào cơ sở hạ tầng trọng yếu; tác chiến phòng, chống tấn công chuỗi cung ứng; nhận dạng, phòng, chống lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật.

Trong 8 tháng của năm 2024, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, thống kê và xử lý 4.029 sự cố tấn công mạng tại Việt Nam. Trong khi đó, Trung tâm dữ liệu Thành phố ghi nhận hơn 57,5 triệu sự kiện mất an toàn thông tin trong 9 tháng năm 2024 với hơn 768.000 sự kiện vi phạm chính sách, 56,8 triệu sự kiện tấn công thu thập thông tin và 7.057 sự kiện tấn công lây nhiễm và phát tán mã độc.

Chín tháng năm 2024, Trung tâm Chuyển đổi số ghi nhận trên hệ thống quản lý tập trung phòng, chống mã độc Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số lượng phòng, chống tấn công 63.137 lần; tổng số lượng mã độc được phát hiện và ngăn chặn trên toàn hệ thống là 209.312 mã độc.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2024, ít nhất 4 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trở thành nạn nhân của mã độc tống tiền ransomware, gây gián đoạn dịch vụ, ảnh hưởng đến tài chính và uy tín. Những số liệu này phản ánh sự cấp thiết của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng - một yếu tố sống còn cho sự thành công và bền vững của quá trình chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc.

Chương trình diễn tập thực chiến giúp nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện và xử lý sự cố cho đội ứng cứu sự cố, đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của Thành phố; kịp thời phát hiện các điểm yếu về con người, công nghệ, quy trình để có biện pháp gia cố, cải thiện, tăng khả năng phản ứng nhanh, xử lý kịp thời khi có tấn công xảy ra./.

Vũ Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm