Chính phủ hành động

Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Điều chỉnh phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện của tỉnh Bắc Giang; Bổ sung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 28/10/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Điều chỉnh phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện

Cụ thể, Quyết định số 1279/QĐ-TTg phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Quyết định số 1279/QĐ-TTg sửa đổi về phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện:

a) Nguồn phát điện:

Nguồn cấp điện từ năng lượng gió đấu nối lưới điện với tổng công suất khoảng 800 MW, trong đó, đến năm 2030 có công suất khoảng 500 MW (gồm: Nhà máy điện gió Yên Dũng công suất dự kiến khoảng 150 MW; nhà máy điện gió Sơn Động công suất dự kiến khoảng 105 MW; nhà máy điện gió Bắc Giang 1 công suất dự kiến khoảng 55 MW; nhà máy điện gió Bắc Giang 2 công suất dự kiến khoảng 55 MW; nhà máy điện gió Cẩm Lý công suất dự kiến khoảng 55 MW; nhà máy điện gió Lục Ngạn công suất dự kiến khoảng 30 MW; nhà máy điện gió Tân Sơn công suất dự kiến khoảng 50 MW).

Nguồn điện sản xuất từ rác: Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang, công suất 25 MW.

Nguồn điện mặt trời mái nhà khoảng 86 MW.

b) Nguồn cấp điện cho tỉnh từ hệ thống truyền tải điện quốc gia:

Thực hiện theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Lưới 110 kV

Trạm biến áp 110 kV: Đến năm 2030, toàn tỉnh có 68 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 8.050 MVA; trong đó: giữ nguyên 06 TBA với công suất là 836 MVA, nâng công suất 13 TBA với công suất sau cải tạo là 1.659 MVA, đầu tư xây mới 49 TBA với công suất 5.555 MVA.

Đường dây 110 kV: Xây dựng mới 70 tuyến đường dây 110 kV với chiều dài khoảng 312 km; cải tạo 11 tuyến với chiều dài khoảng 266 km.

d) Lưới phân phối và hạ áp

Xây dựng mới các tuyến đường dây trung áp với chiều dài khoảng 1.832 km; xây dựng 2.608 TBA phân phối, khoảng 1.858 km đường dây hạ áp.

đ) Phương án đấu nối nguồn năng lượng tái tạo

Đến năm 2030 đầu tư xây dựng 01 TBA 220 kV và 07 TBA 110 kV; đầu tư xây dựng 01 tuyến đường dây 220 kV và 07 tuyến đường dây 110 kV.

* Bổ sung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Về phát triển không gian lãnh thổ, Quyết định số 1279/QĐ-TTg bổ sung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023 - 2030.

Theo đó, đến năm 2025 thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; quy định đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp của giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xác định phạm vi, địa giới hành chính, tên địa lý cụ thể của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Quyết định số 1279/QĐ-TTg cũng sửa đổi quy định về bố trí không gian đảm bảo quốc phòng, an ninh và phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai...

* UBND tỉnh Bắc Giang công khai điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo quy định

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ.

Tổ chức công bố, công khai điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện rà soát nội dung Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được quyết định hoặc phê duyệt và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải phù hợp với các nội dung quy định tại Quyết định số 219/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định này và các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ, tình hình thực tế và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.

Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

* Bảo đảm tính đồng bộ giữa các phương án phát triển ngành, lĩnh vực

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm trước pháp luật về: (i) tính chính xác của các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác; (ii) phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, không chồng lấn, xung đột giữa các nội dung của các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật có liên quan; (iii) nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu ý kiến của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định và rà soát hồ sơ quy hoạch; (iv) thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết nêu tại Tờ trình số 314/TTr-UBND ngày 27/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang./.

Ngô Hải Ngọc

Tin liên quan

Xem thêm