Trong xây dựng các chính sách quan trọng, có tính chất đột phá, đổi mới thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chú trọng lấy ý kiến nhiều chiều.
Nhằm hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm triển khai quyết liệt và đã ban hành 4 nghị định liên quan đến công tác này. Đó là các nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 29/2024/NĐ-CP); quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (Nghị định 73/2024/NĐ-CP); quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (Nghị định số 99/2024/NĐ-CP); nghị định sửa đổi một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức (Nghị định số 116/2024/NĐ-CP).
Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức dần đi vào thực chất
Trong xây dựng các chính sách quan trọng, có tính chất đột phá, đổi mới thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chú trọng lấy ý kiến nhiều chiều, nhiều lần của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đơn cử như quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; về kiểm định chất lượng đầu vào công chức...
Chính phủ cho biết, các chính sách sau khi được ban hành đã góp phần quan trọng trong thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ trong tình hình mới, được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Căn cứ Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định, hướng dẫn của Đảng về đánh giá, xếp loại chất lượng, xử lý kỷ luật tại các Quy định số 89-QĐ/TW, số 124-QĐ/TW, số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, số 21-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Qua đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan, địa phương đã dần đi vào thực chất, gắn kết hơn với kết quả công việc, sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng bộ với quy định của Đảng trong xác định tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đảng viên và cán bộ, công chức.
Tổng hợp từ báo cáo của bộ, ngành, địa phương về kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 cho thấy, trong tổng số 254.757 công chức có 45.696 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 22,88%), có 165.939 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 56,68%), có 28.689 người hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 18,69%) và 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 1,75%).
Việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật.
Khắc phục tình trạng đùn đẩy, làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm
Thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho đội ngũ cán bộ, công chức các bộ, cơ quan, địa phương yên tâm thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ theo quy định.
Đồng thời, nhằm khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, từng bước nâng cao trách nhiệm, phối hợp hiệu quả trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ chế quản lý cán bộ, công chức tiếp tục từng bước được đổi mới, góp phần cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế. Việc phân cấp trong công tác sử dụng và quản lý cán bộ, công chức gắn với quy định cụ thể trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực tiếp tục được đẩy mạnh.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, văn hóa công vụ được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, các quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức được bảo đảm thực hiện trên thực tế; nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu được thể chế hóa và thực hiện nghiêm túc; từ đó tạo động lực làm việc, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan chưa sâu sát
Tuy nhiên, Chính phủ chỉ ra rằng, một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, quy chế về công tác quản lý cán bộ, công chức theo thẩm quyền, do đó, một số nội dung công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị không phản ánh đúng kết quả, chưa tạo động lực để cán bộ, công chức nỗ lực, phát huy hết năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ. Còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ngoài ra, công tác kiểm tra trên lĩnh vực công chức, công vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ làm việc ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự nghiêm túc.
Nguyên nhân được Chính phủ nêu lên là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức trong bối cảnh Đảng ta đang trong quá trình hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển đã phát sinh một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức còn chưa sâu sát, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ, công chức theo thẩm quyền; chưa bám sát sự thay đổi các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức để sửa đổi, bổ sung các quy định theo thẩm quyền. Một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý.
Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa phát huy hết trách nhiệm trong thực thi công vụ; chưa tích cực, chủ động rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế./.