Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm và các văn bản hướng dẫn, thi hành đã cơ bản khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định hiện hành.
TTXVN - Trong hai ngày 8- 9/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội do bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và mại dâm trên địa bàn tỉnh An Giang.
Báo cáo nhanh với đoàn công tác, Đại tá Bùi Tấn Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm và các văn bản hướng dẫn, thi hành đã cơ bản khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định hiện hành liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, mại dâm. Đồng thời, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, mại dâm và các lực lượng chức năng liên quan đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có gần 3.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, gần 350 người sử dụng trái phép chất ma túy. Giai đoạn 2021-2022, tỉnh phát hiện, bắt giữ 447 vụ ma túy, liên quan 739 đối tượng. Tệ nạn mại dâm tuy được kiềm chế, nhưng từng lúc, từng nơi vẫn tiềm ẩn phức tạp, với phương thức, thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi. Từ năm 2013 đến 2022, tỉnh đã triệt phá 56 vụ, liên quan 240 đối tượng, 68 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm.
Đại tá Bùi Tấn Ân cho rằng, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành tại một số nơi trên địa bàn tỉnh còn chậm, lúng túng. Công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, chưa bố trí được nơi lưu trú; công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn vì không có cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ cai nghiện; địa điểm, cơ sở vật chất, nhân sự tại điểm cai nghiện không đáp ứng yêu cầu theo quy định, chưa có văn bản hướng dẫn về công tác cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện ma túy còn hạn chế, chưa đáp ứng theo quy định.
Cùng với đó, cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương thường là kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển, thay đổi vị trí công tác, phụ cấp chưa tương xứng; công tác hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí…
Nhận định tình hình tội phạm về ma tuý, mại dâm trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang Bùi Tấn Ân kiến nghị, Trung ương cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; sớm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn về quản lý, cai nghiện ma túy để triển khai thực hiện thống nhất; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua, bán dâm; trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống mại dâm trên cơ sở pháp lệnh hiện hành; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống kinh tế, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mại dâm…
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan đánh giá rất cao sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, địa phương, nhất là kết quả sự chủ động bố trí nguồn lực khắc phục những khó khăn của tỉnh, tạo điều kiện có được những cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều hình thức phù hợp, sát đối tượng…
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho rằng, thời gian tới, An Giang cần quan tâm quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy sau cai nghiện bởi còn nhiều bất cập. Công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cai nghiện bắt buộc. Việc xác định tình trạng nghiện đưa vào cơ sở nghiện chưa cao. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung cần được tỉnh quan tâm hơn, có những giải pháp đồng bộ hơn, nhất là việc tổ chức cai nghiện đối với người nghiện, cần có công tác phòng ngừa từ xa, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nghiện…
Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh An Giang, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, tổng hợp và có giải pháp đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, tháo gỡ quy định để phù hợp thực tế của đời sống xã hội./.
Công Mạo
- Từ khóa:
- Uỷ ban Xã hội của Quốc hội
- giám sát
- An Giang