Xã hội

Đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp Hội Phụ nữ

Hậu Giang

Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tích cực, chủ động trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy được quyền làm chủ, sự tham gia và trí tuệ của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ.

Quang cảnh Hội nghị.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Ngày 16/9, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ đại học, thu hút nguồn nhân lực đặc thù của ngành Y tế, Giáo dục, Văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang", bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là dịp để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang thực hiện 3 giải pháp gồm tập huấn; hội nghị phản biện xã hội; tọa đàm về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, phản biện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ về chế độ, chính sách, quy định độ tuổi, mức hỗ trợ cụ thể đối với ngành Y tế, Giáo dục, Văn hóa và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội ở tỉnh; phát huy dân chủ và trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Phụ nữ Hậu Giang quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của bão số 3.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của Hội nghị phản biện xã hội tại tỉnh. Qua đó, giúp các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội, có kỹ năng xây dựng văn bản, tham gia chủ trì hướng dẫn Hội nghị phản biện xã hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức tốt hơn.

Bà Đàm Thị Vân Thoa đề nghị, mỗi cán bộ, hội viên cần nắm rõ quan điểm để đề nghị xây dựng dự thảo nghị quyết, quan tâm lồng ghép vấn đề giới trong dự thảo các nghị quyết, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ… Trong đó, quan tâm nhiều hơn chế độ, chính sách phù hợp để giáo viên mầm non yên tâm công tác, đảm bảo chăm lo và nuôi dạy trẻ tốt; chủ động nâng cao kỹ năng, hiệu quả công tác tổ chức giám sát, phản biện xã hội.

Phụ nữ Hậu Giang quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của bão số 3.
Ảnh: Phạm Duy Khương - TTXVN

Tại Hậu Giang, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai cho ý kiến gần 200 nội dung giám sát, hơn 40 vấn đề phản biện cấp tỉnh trong 10 năm qua. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức hơn 1.500 cuộc phản biện. Qua giám sát, phản biện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội kịp thời phát hiện những nội dung thực hiện còn thiếu, chưa sát và chưa phù hợp trong những dự thảo văn bản của các cơ quan, cũng như chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa xã hội. Từ đó, kiến nghị gần 100 nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội, đồng thời nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án.

Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tích cực, chủ động và trách nhiệm trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy được quyền làm chủ, sự tham gia và trí tuệ của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ. Trong hơn 660 cuộc giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, nội dung tập trung vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, an sinh xã hội./.

Phạm Duy Khương

Tin liên quan

Xem thêm