Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài.
(TTXVN) Chiều 15/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19-NQ/TW).
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, đã được các cấp, ngành tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm, hoạt động ngày càng hiệu quả, năng lực tự chủ ngày càng cao hơn. Số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm dần, đồng thời tăng dần số người làm việc gắn với hiệu quả cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; huy động sự tham gia của xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn trong phát triển dịch vụ sự nghiệp công...
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa thể hiện quyết tâm cao, có việc còn chung chung, chưa rõ thời gian, tiến độ, kết quả thực hiện. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc thêm về tình hình, kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện 5 nhóm quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ cụ thể được giao đối với cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia ý kiến vào các dự thảo Báo cáo sơ kết; cho ý kiến về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới...; phát hiện mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm chứng trên thực tế để kiến nghị nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Với tham luận "Kinh nghiệm sắp xếp, đổi mới, nâng cao tự chủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; phát triển dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập để thống nhất trong quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ và tự chủ một phần.
Chính phủ xem xét điều chỉnh khung số lượng cấp phó đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc của thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị Trung ương xem xét, giao số lượng người làm việc phù hợp trên cơ sở số lượng người làm việc được đề nghị theo định mức, để bảo đảm hiệu quả công tác (đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế).
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó xác định rõ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, nhiệm vụ, biên chế, tuyển dụng, thực hiện chế độ, chính sách để bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi của cơ chế tài chính mới, gắn với tinh giản số người hưởng lương từ ngân sách. Đặc biệt, phải xác định rõ chế tài trách nhiệm đối với người đứng đầu tương xứng với quyền tự chủ được trao.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình tự chủ chi thường xuyên như: miễn tiền thuê đất; các chính sách thuế khuyến khích đẩy mạnh công tác xã hội hóa...
Tổng kết hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến tích cực, khoa học, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến tham luận, thảo luận đều nhất trí với những nội dung cơ bản trong dự thảo Báo cáo sơ kết. Dự thảo Báo cáo sơ kết và các tài liệu kèm theo đã tổng hợp tương đối đầy đủ, toàn diện, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, các ý kiến đều thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; khẩn trương hoàn thiện thể chế đảm bảo kịp thời, đồng bộ và khả thi, nhất là các giải pháp về tinh gọn đầu mối, biên chế hưởng lương từ ngân sách gắn việc nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thu hút tham gia của xã hội, phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công.
Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công là bộ phận không thể thiếu phát triển hạ tầng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cần phân loại đơn vị sự nghiệp theo các nhóm để kiến nghị giải pháp phù hợp đảm bảo dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, phục vụ quản lý nhà nước, sự nghiệp kinh tế; dịch vụ sự nghiệp công đáp ứng nhu cầu thị trường, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các kiến nghị, giải pháp cần phù hợp, thận trọng nhưng phải quyết tâm đổi mới theo yêu cầu Nghị quyết, phù hợp điều kiện, đặc điểm lĩnh vực, địa bàn. Việc tổ chức thực hiện phải được phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, gắn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.
Nhấn mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài cả hệ thống chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu, trên cơ sở ý kiến tại Hội nghị, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết, Tờ trình và Kết luận để trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2022 theo đúng kế hoạch./.