Chính phủ hành động

Đổi mới hoạt động của hội theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm

Cần đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hội. Đây là quan điểm của nhiều đại biểu tại Hội thảo về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong quản trị quốc gia, do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức ngày 19/12.

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Vân Đức)

TTXVN - Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết, cơ bản các tổ chức hội, hiệp hội, liên hiệp hội, liên đoàn được thành lập và tổ chức hoạt động đã phát huy vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, vai trò, vị trí của hội ngày càng được nâng cao và có những đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, cả nước có hơn 70.000 hội, trong đó hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh là 587 hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng nhiều hội hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ hội trong tổ chức, hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về hội còn thiếu chế tài xử lý vi phạm, thiếu quy định, chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, công tác kiểm tra, quy trình, thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hội... chưa đảm bảo tính chặt chẽ.

Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP (quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội), bên cạnh những mặt được, một số quy định của Nghị định không còn phù hợp, chưa bao quát, điều chỉnh hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội quần chúng, hoàn thiện các quy định phù hợp với Hiến pháp 2013, khắc phục các tồn tại, đổi mới hoạt động của hội theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, tham gia vào quản trị quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 45 là cần thiết.

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn lưu ý, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 45 phải bám sát quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và thể chế hóa chủ trương của Đảng đối với hội quần chúng trong điều kiện thực hiện quản trị quốc gia; góp phần xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của các hội trong xây dựng và phát triển đất nước và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, Nghị định phải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội với tinh thần thượng tôn pháp luật, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp. Bảo đảm tính kế thừa các quy định phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về hội; bổ sung các quy định bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Tổ chức và hoạt động của hội phải thực hiện theo các nguyên tắc: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội; tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; không vì mục đích lợi nhuận. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Vân Đức)

Giới thiệu những nội dung mới của Nghị định thay thế Nghị định 45, bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) cho biết, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 45 đã được Bộ Nội vụ khởi động xây dựng từ năm 2014. Kể từ năm 2015 đến 2018, Bộ Nội vụ đã 7 lần trình Chính phủ dự thảo nghị định. Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị.

Tháng 8/2023, Ban Bí thư đã thông qua Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương. Đây là căn cứ quan trọng để thể chế hóa nội dung liên quan đến nhóm đối tượng là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Ngay sau khi có quyết định này, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến một số bộ, ngành và cơ quan có liên quan, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Căn cứ ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ theo quy định.

Dự thảo Nghị định kế thừa những quy định còn phù hợp trong các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định để thể chế hóa chủ trương của Đảng, vừa tạo điều kiện cho công dân, tổ chức Việt Nam tham gia thành lập hội, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hội.

Dự thảo bổ sung nội dung không công nhận, vinh danh, suy tôn, phong tặng các danh hiệu gây tranh cãi nhầm lẫn với các danh hiệu của Nhà nước. Việc thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Hội đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao được ngân sách nhà nước đảm bảo trên cơ sở khoán kinh phí hoạt động theo số biên chế được giao, được hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động. Hội không được giao biên chế thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo giao khoán kinh phí hoạt động, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động để duy trì hoạt động bộ máy.

Theo bà Hạnh, điều này khắc phục tình trạng hiện nay, đó là trong nhóm 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có 3 hội không được giao biên chế. Số lượng biên chế giao cho các hội cũng khác nhau, có hội số biên chế rất lớn, có hội chỉ từ 3-5 biên chế, trong khi các hội thực hiện nhiệm vụ chung tương đối giống nhau, nhưng nhiệm vụ cụ thể lại khác nhau. Để đảm bảo hoạt động thường xuyên của các hội được Đảng, Nhà nước giao, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã thống nhất nhằm tạo điều kiện cho nhóm hội này không gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Dự thảo cũng quy định rõ chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Để đảm bảo chuyển sang chế độ tiền lương mới mà không ảnh hưởng đến chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước, dự thảo Nghị định quy định tiếp tục giữ chế độ thù lao theo quy định hiện hành.

Đồng thời, bổ sung nhóm quy định về thành lập hội nhằm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí. Về điều kiện thành lập hội, so với Nghị định 45, dự thảo quy định nội dung mới là có tài sản đảm bảo duy trì hoạt động của hội.

“Thực tiễn vừa qua, một số hội rất hăng hái thành lập, nhưng thành lập rồi lại không hoạt động được do không có kinh phí”, bà Thang Thị Hạnh cho hay.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo bày tỏ băn khoăn, ban hành nghị định mới để thay thế Nghị định 45 sẽ làm phát sinh vấn đề pháp lý, đó là trái với quy định của Hiến pháp; về việc cần xây dựng Luật về hội...

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu, Hiến pháp quy định quyền lập hội là quyền công dân. Một văn bản pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phải là luật, chứ không thể là nghị định.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thì cho rằng, Luật về hội có tính pháp lý cao hơn. Hội là tổ chức “mềm”, dân chủ, chuyên ngành, chuyên sâu nhất; cần đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hội.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhận định, phải cân nhắc kỹ việc ban hành nghị định này, không nên xem đây là giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi... Đồng tình với việc có sự quản lý nhà nước đối với tổ chức hội, song ông Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, quản lý nhà nước mục đích là để hội phát triển; nên quy định rõ điều kiện, thủ tục thành lập hội, những điều cấm…./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm