Thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương, cơ quan báo chí xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Thông tư số 05/2024/TT-BTTTT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được ban hành.
Thông tư có hiệu lực từ 1/8/2024 hướng dẫn, quy định một số điểm mới nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức gồm: hướng dẫn cụ thể về cách làm, phương pháp xây dựng, thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Chính phủ.
Đối với một số trường hợp đặc thù, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng quy định tại Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý công tác định mức tại cơ quan đơn vị mình.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho việc thực hiện các định mức đã được cơ quan báo chí xây dựng, được cơ quan có thẩm quyền quyết định, Thông tư quy định điều khoản chuyển tiếp phù hợp để các cơ quan báo chí có cơ sở, điều kiện chuyển tiếp việc thực hiện đặt hàng trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xây dựng, quyết định.
* Nguyên tắc chung xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực báo chí
Theo Thông tư, định mức được xây dựng trên cơ sở thực tiễn tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ; đảm bảo tính ổn định trong thời gian nhất định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Khi có sự thay đổi công nghệ, quy định pháp luật hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì định mức phải được điều chỉnh hoặc xây dựng mới.
Phải đảm bảo tính đúng, tính đủ các hao phí cần thiết để hoàn thành một sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.
Định mức các công việc tương tự trong hoạt động các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình tại cùng một cơ quan báo phải bảo đảm tính thống nhất. Phải đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật.
* Thành phần của định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức lao động là mức tiêu hao lao động cần thiết của người lao động theo chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành một sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công.
Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại vật tư, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để hoàn thành một sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công theo quy định.
Định mức máy móc, thiết bị là thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành một sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định của đơn vị hoặc của các cơ quan có thẩm quyền ban hành (nếu có).
* 5 phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
Theo thông tư , có 5 phương pháp xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật gồm: phương pháp thống kê, tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp tiêu chuẩn; phương pháp phân tích; phương pháp tổng hợp.
Đáng chú ý, Thông tư quy định về tổ chức xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực báo chí.
Theo đó, cơ quan chủ quản xem xét quyết định giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí tổ chức xây dựng định mức; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tự quyết định việc tổ chức xây dựng định mức.
Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng định mức phê duyệt Kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ do bộ phận trực thuộc xây dựng làm cơ sở quản lý công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể.
Bộ phận xây dựng định mức triển khai việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo hướng dẫn tại Thông tư này và theo kế hoạch chi tiết được duyệt.
Trình tự các bước xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và cách thức xác định hao phí cho sản phẩm dịch vụ công được xây dựng định mức được quy định tại Phụ lục II của Thông tư.
* Xem xét, đánh giá kết quả xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật
Việc thẩm định kết quả xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật là xem xét, đánh giá kết quả xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật. Nội dung thẩm định chủ yếu gồm: kiểm tra, đánh giá, kết luận về các cơ sở xây dựng định mức; kiểm tra, đánh giá, kết luận về phương pháp xây dựng định mức; kiểm tra, đánh giá, kết luận về tổ chức thực hiện, trình tự xây dựng định mức; kiểm tra, đánh giá, kết luận về phương pháp thu thập, xử lý, phân tích tính toán, xác định trị số của định mức; kiểm tra, đánh giá, kết luận về hình thức, bố cục trình bày định mức; kiểm tra, đánh giá, kết luận về tính khả thi về mặt kinh tế- kỹ thuật của định mức...
Kết luận thẩm định của Hội đồng thẩm định được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu, theo nguyên tắc quá bán. Việc đánh giá thực hiện ở 3 mức: đạt yêu cầu đề nghị ban hành; đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành; không đạt yêu cầu phải xây dựng lại.
Kết quả thẩm định của Hội đồng được tổng hợp thể hiện trong Báo cáo thẩm định, bao gồm ý kiến kết luận và kiến nghị của Hội đồng. Báo cáo thẩm định kết quả xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong nội bộ cơ quan báo chí về định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng để hoàn thiện trước khi thẩm định.
* Khắc phục một số vướng mắc, khó khăn của các cơ quan báo chí
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ban hành Thông tư nhằm khắc phục một số vướng mắc, khó khăn, lúng túng của các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí trong thời gian qua không xây dựng được định mức kinh tế- kỹ thuật. Cung cấp cơ sở lý luận, phương pháp, trình tự thống nhất trong việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật cho dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí.
Cùng đó, Thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương, cơ quan báo chí xây dựng định mức và phương án giá theo trách nhiệm quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đây là đổi mới cách làm trong công tác quản lý định mức kinh tế- kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực báo chí, gắn với thị trường, gắn với với thực tế hoạt động của các đơn vị báo chí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị báo chí triển khai thực hiện chính sách của nhà nước về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường điều kiện nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền./.