Để đền đáp công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có gì bằng cách lấy họ của Bác trở thành họ của mình và con cháu mình tiếp tục mang họ Hồ, để Người vẫn còn sống mãi trong trái tim của đồng bào A Lưới.
Năm 1969 khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới, thành phố Huế đã nguyện suốt đời mang họ Hồ để ghi nhớ công ơn của Người.
Những ngày này, đến triển lãm "Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế" tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2025), người dân và du khách không khỏi xúc động khi được tìm hiểu về nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc miền Tây thành phố Huế. Đặc biệt, mọi người được chứng kiến không gian tái hiện thực hành nghi lễ đặt tên theo họ Hồ của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao A Lưới.
Nghi lễ này đã được các nhân chứng lịch sử, già làng, nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở A Lưới và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thành phố Huế tái hiện theo đúng nghi lễ vốn được tiến hành trong thực tế khi đồng bào ở huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi năm 1969.
Mở đầu, chủ trì lễ - Già làng Hồ Văn Hạnh (79 tuổi, dân tộc Pa Cô, trú xã Trung Sơn, huyện A Lưới) đọc diễn văn tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hạnh phúc nhân dân; đồng thời thể hiện tâm nguyện suốt đời đi theo Đảng, cách mạng và quyết định mang họ Hồ để ghi lòng tạc dạ công ơn của Người.
Già làng Hồ Văn Hạnh nhấn mạnh: "Tri ân công ơn của Đảng, Bác Hồ, đồng bào các dân tộc miền Tây thành phố Huế tự nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình. Sau này, ai sinh con đẻ cái cũng tự nguyện lấy họ Hồ để đặt cho con".
Trong những hồi chiêng, trống linh thiêng, tất cả già làng và người dân đã nắm chặt tay đưa lên trên đầu cùng hô vang "Xin nguyện mang họ Hồ! Xin nguyện mang họ Hồ!" để thể hiện tâm nguyện của mình.
Già làng Hồ Văn Hạnh chia sẻ, tham gia lễ tái hiện nghi lễ mang họ Hồ, ông rất xúc động và nhớ lại ngày đã trực tiếp tham gia buổi lễ trang trọng đó cùng mọi người nắm chặt tay thề nguyện. Để đền đáp công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có gì bằng cách lấy họ của Bác trở thành họ của mình và con cháu mình tiếp tục mang họ Hồ, để Người vẫn còn sống mãi trong trái tim của đồng bào A Lưới. Đây cũng là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của riêng bản thân ông mà của cả đồng bào A Lưới.
Theo già làng Hồ Hoài Nam (dân tộc Cơ Tu ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới), hiện nay, phần lớn đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới đều lấy họ Hồ làm họ của mình. Đây là vinh dự và tình cảm mà đồng bào A Lưới dành cho Bác. Biết ơn Đảng, Bác Hồ, nhiều năm qua, đồng bào A Lưới luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững; đồng thời, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Em Hồ Xuân Yên (học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thành phố Huế) chia sẻ, em tự hào khi được mang họ Hồ. Bởi đây không chỉ là một dòng họ mà còn là tên của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Em luôn tự nhủ phải nỗ lực, không ngừng học tập trở thành người có ích cho xã hội; góp phần phát triển văn hóa của dân tộc, gìn giữ bản sắc và làm rạng danh họ Hồ.
Hiện nay, huyện miền núi A Lưới có hơn 11.800 người mang họ Hồ, chiếm trên 40% dân số; huyện Nam Đông (huyện Phú Lộc ngày nay) có hơn 2.600 người họ Hồ (chiếm hơn 29%); dân tộc Pa Cô có nhiều người mang họ của Bác nhất với trên 7.120 người.
Phó Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới Hồ Thị Tư cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của thành phố Huế vô cùng tự hào được mang họ Hồ, là con, cháu Bác Hồ.
Không chỉ tự nguyện mang họ Hồ, đồng bào nơi đây còn lập bàn thờ Bác để tri ân, tổ chức lễ cúng như những người thân trong gia đình đối với vị Cha già của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở thành phố Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng một lòng theo Đảng, cách mạng, đấu tranh gìn giữ buôn làng.
Ngày nay, noi theo tấm gương của Bác, người dân nơi đây luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phát triển kinh tế và đồng lòng, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no. Nhờ đó, huyện A Lưới đã thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo cả nước./.
- Từ khóa:
- Huế
- Đồng bào A Lưới
- tự hào
- mang họ Bác Hồ