UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung hơn nữa cho công tác quản lý và sử dụng đất, nhà ở công, đất bãi bồi.
TTXVN - Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Tháp, một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi quỹ đất công. Một phần đất chậm đưa vào khai thác, sử dụng, kêu gọi đầu tư; một phần diện tích đất cần phải kiểm tra đo đạc bổ sung để đưa vào quản lý sử dụng nhưng chưa thực hiện. Một phần diện tích liền kề đất của người dân đã và đang sử dụng chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm,… dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, canh tác nông nghiệp. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đẩy nhanh việc rà soát, sắp xếp xử lý tài sản công. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công chưa thực hiện thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung hơn nữa cho công tác quản lý và sử dụng đất, nhà ở công, đất bãi bồi, cũng như sớm khắc phục, giải quyết những tồn tại liên quan đến công tác này. Tỉnh sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các khu đất công để khai thác có hiệu quả và tránh bị lấn chiếm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ quan nhà nước “tiếp tay” cho doanh nghiệp cố tình kéo dài thời hạn triển khai dự án. Đặc biệt, tỉnh sẽ xử lý dứt điểm các chủ đầu tư đã được giao đất nhưng chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng đúng quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định như cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…Đối với công tác lập phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hằng năm, các địa phương thực hiện rà soát các công trình, dự án chưa thực hiện, chuyển tiếp qua nhiều năm (quá 3 năm) để kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng quy hoạch “treo”, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân, là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng Tháp có hơn 29.046 ha đất công; trong đó có 1.833 ha đất bãi bồi, 1.472,2 ha đất các cụm tuyến dân cư, hơn 544 ha đất các trụ sở, trên 633 ha đất công nghiệp, gần 42 ha đất thương mại - dịch vụ, hơn 405 ha đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, trên 1.485 ha đất giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác… Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, cơ quan chức năng đang rà soát phương án sắp xếp nhà, đất của huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung, thành phố Cao Lãnh, Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc xử lý các cơ sở nhà, đất còn để trống, tỉnh giao cho Sở Tài chính quản lý 31 cơ sở; trong đó đã bán 11 cơ sở, tiếp tục tổ chức bán đấu giá trong năm 2023 là 14 cơ sở, còn lại 6 cơ sở nhà, đất đang đo đạc, lập hồ sơ bán trong năm 2024.
Đồng Tháp đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (giai đoạn 2016 - 2021) cho 160 dự án. Tuy nhiên, hiện nay, 27 dự án chậm tiến độ, trong đó có 20 dự án ngưng triển khai và 7 dự án còn thời gian có thể điều chỉnh dự án. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hằng năm, Sở phối hợp với các địa phương kiểm tra tiến độ đầu tư của các dự án. Qua kiểm tra, đơn vị chức năng nhận thấy nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ có liên quan đến vấn đề năng lực tài chính của một số doanh nghiệp; vai trò của các ngành phối hợp và nhiều lý do khác./.