Xã hội

Đột phá giao thông nông thôn vùng cao Mù Cang Chải

Yên Bái

Chính quyền huyện Mù Cang Chải đã huy động lồng ghép các nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông đảm bảo thông suốt.

Bức tranh kinh tế xã hội của huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ hệ thống giao thông nông thôn phát triển. 
Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Xác định được tầm quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt, đề án phát triển giao thông nông thôn đã tạo ra sự đổi thay về nhiều mặt ở từng vùng quê, góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, đặc thù địa hình chia cắt bởi hệ thống núi cao, khe suối dày đặc. Hệ thống giao thông chưa phát triển, việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Trên 90% dân số Mù Cang Chải là dân tộc Mông, có tập quán sinh sống trên núi, vì vậy đường đến các bản của họ thường chênh vênh, quanh co, dốc đứng. Chính các yếu tố này gây rất nhiều khó khăn trong việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn tại địa phương này.

Xác định “giao thông phải đi trước một bước” để vừa phục vụ sản xuất và dân sinh, khi có hệ thống giao thông thuận tiện thì rất thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa. Những năm qua, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã huy động lồng ghép các nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông đảm bảo thông suốt. Đặc biệt, nhiều thôn, bản đã huy động được nhân dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để thi công các tuyến đường giao thông…

 Hệ thống giao thông nông thôn phát triển giúp cho Mù Cang Chải phát huy các tiềm năng thế mạnh về du lịch. 
 Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Tuyến đường bê tông hóa dài 1,5 km vào bản Háng Cơ và bản Nậm Pẳng, xã Nậm Có mới được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán. Cả đoạn đường quanh co, dốc đứng được kiên cố hóa bê tông rộng 3m là kết quả sức mạnh của sự đồng thuận, chung tay của dân bản. Đây là mong muốn từ lâu nay của bà con để đưa con em đi học, vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng hơn, không phải đi đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt vào mùa mưa như trước nữa…

Người dân Mù Cang Chải vẫn hay ví, những con đường vừa làm mới là những tuyến đường của ý Đảng, lòng dân. Những tuyến đường này mở ra không chỉ giúp cho việc giao thương hàng hóa được thuận lợi hơn, mà còn góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Giai đoạn 2021- 2025 huyện Mù Cang Chải phấn đấu thực hiện kiên cố hóa 345 km đường giao thông nông thôn với bề rộng mặt đường từ 3 m trở lên. Trong đó thực hiện Đề án giao thông nông thôn khoảng 127 km, từ các chương trình khác 218 km…

Niềm vui của các chị em người Dao trên con đường nông thôn mới ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 
Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức kiên cố hóa được 83,5 km mặt đường bê tông xi măng, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên địa bàn huyện là 392,3 km/904 km đường giao thông nông thôn...

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, chi phí đầu tư kiên cố 1km đường giao thông nông thôn ở Mù Cang Chải thường cao hơn từ 2- 3 lần so với vùng thấp, bởi việc làm nền đường khó khăn, giá vật liệu tăng cao. Chính vì vậy, mỗi năm toàn huyện kiên cố gần 100 km đường giao thông là cả một nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong huyện.

Cùng với hạ tầng giao thông đổi thay, bức tranh kinh tế xã hội của Mù Cang Chải cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển giúp cho Mù Cang Chải phát huy các tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là bản sắc văn hóa, khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan… phát triển và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Gắn du lịch với phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi và ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống.../.

PV

Xem thêm