Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc Trung học Phổ thông giúp cho học sinh được tiếp cận và định hướng ngành nghề sớm.
Ngày 17/5, gần 1.600 học sinh các trường Trung học Phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội và phụ huynh đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nhà quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội để được tư vấn, định hướng về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, thông qua Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh khối Trung học Phổ thông. Đây là sự kiện để Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc Trung học Phổ thông (gọi tắt là VNU12+).
* Học sớm một số học phần trong chương trình đại học
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, một trong những hướng đổi mới của nhà trường là định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh Trung học Phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội bằng cách tư vấn, hỗ trợ học sinh học sớm một số học phần trong chương trình đào tạo đại học và ưu tiên xét tuyển khi các em có mong muốn tiếp tục học đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Do vậy, đơn vị đã xây dựng và ban hành Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc Trung học Phổ thông gọi tắt là Chương trình VNU12+. Mục tiêu của chương trình giúp cho học sinh các trường Trung học Phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội được tiếp cận và định hướng ngành nghề sớm, được tập dượt nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học có uy tín, rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học và tạo nguồn đào tạo nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế trong tương lai.
Thông tin cụ thể về chương trình, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc học sớm của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên có uy tín, có trình độ quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.
Học sinh tham gia Chương trình VNU12+ là học sinh Trung học Phổ thông hệ chuyên và không chuyên ở các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của đơn vị; đoạt giải trong kỳ thi Olympic bậc Trung học Phổ thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của đơn vị (đối với học sinh Trung học Phổ thông chuyên) hoặc giải Ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc Trung học Phổ thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của đơn vị (đối với học sinh Trung học Phổ thông không chuyên). Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh Trung học Phổ thông chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh Trung học Phổ thông không chuyên) đạt mức tốt, có năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo.
Ngoài các trường hợp trên, học sinh được đăng ký tham gia Chương trình VNU12+ nếu được một nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực, ngành đào tạo và thuộc danh sách giảng viên tham gia Chương trình VNU12+ đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt phát hiện, bảo lãnh và cam kết sẽ định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn theo học các chương trình đào tạo đại học thuộc các ngành khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Học sinh Trung học Phổ thông tham gia chương trình được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm tốt nghiệp Trung học Phổ thông nếu tích lũy trước tối thiểu 3 học phần theo đúng Quy chế đào tạo đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của nhóm ngành, ngành, chương trình đào tạo trong năm tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như đạt khi phỏng vấn của tiểu ban chuyên môn.
Việc tuyển chọn học sinh tham gia chương trình vào học sớm các chương trình đào tạo trình độ đại học được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với phỏng vấn. Đơn vị đào tạo có thể xây dựng thêm một số tiêu chí phụ hoặc phỏng vấn để lựa chọn học sinh trong trường hợp môn học, chương trình có những yêu cầu đặc thù hoặc số lượng thí sinh đăng ký quá lớn. Những học sinh được giảng viên tham gia chương trình giới thiệu được ưu tiên khi xét tuyển.
Về kinh phí đào tạo, ngoài học phí do học sinh đóng theo quy định và các nguồn tài trợ, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo dành cho Chương trình VNU12+; ưu tiên đầu tư các dự án cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; ưu tiên xét cấp học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
* Cân bằng giữa việc học ở phổ thông và học đại học
Hiện nay, ở bậc phổ thông, Đại học Quốc gia Hà Nội có 1 trường Trung học Cơ sở và 4 trường Trung học Phổ thông. Trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là một trong các nhiệm vụ đặc biệt luôn được Đại học Quốc gia Hà Nội quan tâm, được triển khai một cách bài bản, bao gồm từ phát hiện, bồi dưỡng khi các em còn là học sinh phổ thông và tiếp tục được đào tạo, phát triển nâng cao ở bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Mô hình đào tạo học sinh giỏi của các trường phổ thông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm qua là mô hình tiên phong trong cả nước về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài.
Chia sẻ tại Ngày hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Chương trình VNU12+ tạo điều kiện cho những học sinh có tư chất thông minh rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học trên cơ sở được định hướng nghề nghiệp và học tập, nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập sớm. Mục tiêu này là một lợi thế rất lớn cho các học sinh Trung học Phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các em nỗ lực, cố gắng, quyết tâm và có kế hoạch học tập khoa học thì sẽ rút ngắn được thời gian học đại học xuống còn 2 năm hoặc 3 năm. Sau đó, các em học lên cao học, nghiên cứu sinh theo lộ trình phù hợp.
Thời gian qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tiên phong trong việc định hướng, tư vấn cho học sinh đăng ký các học phần ở bậc đại học. Kết quả, năm học 2022-2023, có 12 em đăng ký và 5 em đã vào học các chương trình đại học thuộc các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, 2 em đi du học và 5 em vào học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến năm học 2023-2024, có 20 học sinh đăng ký tham gia chương trình.
Em Lê Hoài Nam, học sinh chuyên Sử của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đăng ký học tích lũy các học phần bậc đại học năm học 2022-2023, hiện nay là sinh viên năm thứ nhất của Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: Em quyết định đăng ký học vượt 9 tín chỉ học kỳ 2 và 16 tín chỉ học kỳ hè; nhờ đó, em hiểu sâu kiến thức, học được cách tư duy, làm việc sáng tạo khi học chung với các anh chị đi trước.
Tuy nhiên, các học sinh đã đăng ký học trước tín chỉ ở bậc đại học cũng cho biết, khi đăng ký học vượt, học sinh cần có năng lực học tập ổn định và tốt. Nếu không, mức điểm bình quân tích luỹ sẽ không cao. Khi đã chọn học vượt, học sinh phải biết cân bằng giữa việc học với các hoạt động khác trong cuộc sống để không bị quá tải, không bị xao nhãng việc học tập chính ở trường phổ thông.
Về thời gian đăng ký học, trong năm lớp 10, học sinh phải đánh giá được khả năng học của mình, có phù hợp để bắt đầu học vượt hay không. Sau khi xác định bản thân có thể, tiếp tục khảo sát chương trình đào tạo, các môn cơ bản của các trường và các môn cơ sở ngành cũng như chuyên ngành để xếp lịch học các học kỳ sau cho phù hợp nhất. Đến lớp 11, các em bắt đầu đăng ký học từ một đến hai học phần cơ bản hoặc môn cơ sở ngành. Kết quả cuối kỳ sẽ là câu trả lời tốt nhất cho vấn đề có nên tiếp tục học vượt hay không để đến lớp 12 là thời gian đăng ký được nhiều tín chỉ nhất./.