Ba chương trình đào tạo mới ra mắt gồm 1 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình bậc đại học.
Ngày 15/5, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức trao quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và ra mắt chương trình đào tạo mới năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Quyết định chuyển đổi mô hình và tổ chức lại Khoa Các khoa học liên ngành thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã đánh dấu sự thay đổi về chất của một tổ chức đào tạo. Thời gian qua, tập thể cán bộ, người lao động và sinh viên nhà trường đã nỗ lực không ngừng, chạy đua với thời gian nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để thích nghi nhanh chóng theo mô hình tổ chức mới. Buổi lễ hôm nay là thời điểm đánh dấu hoàn tất quá trình chuẩn bị về tổ chức cho việc vận hành chính thức của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật theo đúng cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở 5 tổ bộ môn cũ, nhà trường tổ chức lại thành 4 Khoa trực thuộc bao gồm: Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản; Khoa Nghệ thuật và Thiết kế; Khoa Quản trị và Kinh tế sáng tạo; Khoa Kiến trúc Đô thị và Khoa học bền vững. Đây cũng là đại diện cho các ngành nòng cốt đào tạo của nhà trường từ bậc đại học cho đến sau đại học. Các khoa quy tụ đội ngũ giảng viên có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước.
Ba chương trình đào tạo mới ra mắt gồm 1 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình bậc đại học.
Cụ thể, Chương trình Thạc sĩ Công nghiệp văn hóa sáng tạo là chương trình thạc sĩ đầu tiên về công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam, hướng đến việc đào tạo kiến thức liên ngành toàn diện, với các trụ cột kiến thức về sáng tạo, văn hoá, chính sách, bản quyền, công nghệ, truyền thông, quản trị kinh doanh….Cùng với đó là kỹ năng ứng dụng kiến thức vào việc phát triển các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp; xây dựng, thực hiện, đánh giá dự án, chương trình phát triển; huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan, phối hợp nguồn lực trong hoạt động thực tiễn của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Tiếp đó, Chương trình đào tạo Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan là chương trình đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng với cách tiếp cận liên ngành Nghệ thuật - Công nghệ - Văn hóa xã hội. Chương trình hướng tới cung cấp nguồn nhân lực có tư duy sáng tạo, tiếp cận liên ngành, năng lực công nghệ và trách nhiệm xã hội đối với quản lý, hoạt động thiết kế xây dựng. Đặc biệt, sau 5 năm đào tạo, người học được cấp bằng kiến trúc sư chuyên về Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan.
Chương trình Cử nhân Nghệ thuật thị giác gồm 2 chuyên ngành là Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại sẽ truyền đạt kiến thức cốt lõi, từ lý thuyết đến thực hành; đề cao tính sáng tạo, tư duy liên ngành. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được thực hiện hệ thống các dự án tích hợp và thực hành tại xưởng của nghệ sỹ; tham gia dự án nghệ thuật và sự kiện sáng tạo. Sinh viên không chỉ thực hành nghề nghiệp đơn thuần mà còn là những nghệ sỹ có khả năng đánh giá, phân tích ngôn ngữ nghệ thuật mới nảy sinh trong hệ sinh thái nghệ thuật đương đại, có khả năng giám tuyển, phê bình, đánh giá về nghệ thuật thông qua các dự án và bài học cụ thể.
Bên cạnh 3 chương trình đào tạo mới ra mắt, hiện Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang triển khai nhiều chương trình đào tạo về ngành học đón đầu xu thế ở bậc đại học như: Quản trị thương hiệu; Quản lý giải trí và sự kiện; Quản trị đô thị thông minh và bền vững; Quản trị tài nguyên di sản; Thiết kế sáng tạo (chuyên ngành: Thời trang và sáng tạo; Đồ họa công nghệ số; Thiết kế nội thất bền vững)./.