Chính sách thị thực mới được đánh giá là biểu hiện cho tư duy mở cửa của Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện để ngành du lịch và kinh tế của đất nước phát triển.
Chính sách mới mang tính cởi mở và thuận tiện của Chính phủ ta về visa vào Việt Nam đối với người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Điều này được coi là cú “hích” để ngành du lịch nước ta phát triển mạnh mẽ vào thời hậu COVID-19. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng việc cấp thị thực cho du khách là chỉ là “điều kiện cần”, còn “điều kiện đủ” phần lớn lại phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp du lịch.
*Đã có “điều kiện cần”
Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 để mở đường cho việc áp dụng visa điện tử đối với công dân tất cả 257 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thúc đẩy mối quan hệ quốc tế. Trước đó, visa điện tử được nước ta áp dụng đối với 80 quốc gia.
Theo chính sách thị thực mới, thời hạn visa điện tử tăng từ 1 tháng lên tối đa 3 tháng, tạo điều kiện để người nước ngoài có thêm thời gian trải nghiệm và khám phá đất nước Việt Nam. Cũng từ ngày 15/8/2023, công dân của những nước được miễn thị thực đơn phương có thời hạn miễn thị thực nhập cảnh tại Việt Nam kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày.
Chính sách thị thực mới được đánh giá là biểu hiện cho tư duy mở cửa của Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện để ngành du lịch và kinh tế của đất nước phát triển.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023 tổng lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 6,6 triệu lượt, bằng 83% kế hoạch năm 2023. Các doanh nghiệp du lịch đặt nhiều kỳ vọng vào tác động từ Nghị quyết số 127/NQ-CP, cho rằng việc chính sách visa thông thoáng hơn có hiệu lực trước mùa cao điểm sẽ làm tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch quốc tế BenThanh Tourist, cho biết: Đặc điểm chung của du khách châu Âu là rất thích visa nhiều lần và có thời hạn thị thực dài ngày. Chính sách visa mới hứa hẹn sẽ đem lại sự thoải mái hơn cho du khách trong quá trình làm thủ tục xuất nhập cảnh, các kế hoạch du lịch sẽ được tổ chức linh hoạt hơn, tiết kiệm hơn. Những thay đổi trong chính sách visa sẽ tạo ra cú hích để thị trường du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ, ít nhất đạt được mức tăng trưởng bằng 70%-80% so với thời điểm trước dịch.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, nhận định: Quy định nới rộng thời gian lưu trú, cho nhập cảnh nhiều lần giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc của các công ty lữ hành trong việc thu hút khách quốc tế. Do thời hạn thị thực được nâng lên 90 ngày nên du khách không nhất thiết phải đến Việt Nam vào thời điểm có giá dịch vụ quá cao mà có thể linh hoạt điều chỉnh lịch trình trong thời gian ba tháng. Ví dụ, nếu tháng 7 có giá cao quá thì đi vào tháng 8 hoặc chờ tới tháng 9. Các quy định mới sẽ tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, giúp ngành du lịch cân bằng lượng khách quanh năm, không bị dồn đẩy hết vào mùa cao điểm.
Việc kéo dài thị thực nhập cảnh lên 90 ngày giúp Việt Nam có thị phần du khách nước ngoài mới là nghỉ dưỡng, lưu trú, thăm thân, du lịch xuyên Việt…, giúp kích cầu nền kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ có liên quan.
* Nhanh chóng hành động để bứt phá
Đã có “điều kiện cần”. Nhưng để du lịch Việt Nam cất cánh bay xa hơn nữa thì các doanh nghiệp và các ngành có liên quan phải nhanh chóng thích ứng với chính sách thị thực mới của Chính phủ. Các doanh nghiệp cần nhanh nhạy trong việc xây dựng tour tuyến, sản phẩm du lịch, lữ hành và khu, điểm du lịch, trung tâm du lịch trong bối cảnh du khách có điều kiện lưu trú dài hạn hơn trước.
Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản mới nhằm triển khai cụ thể chính sách thị thực mới, cũng như kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành kế hoạch chiến lược maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển một số mô hình du lịch đêm, trong đó có việc định hướng cho các địa phương và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch và các dịch vụ khác nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch sau khi có chính sách thị thực mới.
Để thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh của du lịch Việt Nam, bên cạnh việc cấp visa thông thoáng thì còn nhiều việc phải làm, trong đó có xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách nghỉ dưỡng dài ngày, khách có khả năng chi trả cao.
Chúng ta cũng cần chuẩn bị về điều kiện nhân lực, cung ứng chất lượng dịch vụ; công tác quản lý tại các địa phương, nhất là trung tâm du lịch lớn, để khi khách đến Việt Nam có được trải nghiệm đúng như kỳ vọng.
Theo ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, câu chuyện visa liên quan sát sườn đến việc phát triển sản phẩm du lịch, thu hút khách quốc tế nên các doanh nghiệp rất mong muốn có sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cần tranh thủ lợi thế của chính sách visa mới để thu hút khách du lịch. Các địa phương nên hướng dẫn doanh nghiệp tập trung xây dựng sản phẩm, tạo điều kiện kết nối các khu, điểm du lịch lại với nhau.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết, Sở đã có kế hoạch đề nghị các đơn vị có liên quan tổ chức truyền thông, quảng bá dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Đặc biệt, Sở thông qua các cơ quan ngoại giao để thông tin rộng rãi cho người dân và du khách trong nước và quốc tế biết đến chính sách mới này.
Về phần mình, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã chỉ đạo các chi nhánh trong và ngoài nước đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về chính sách thị thực mới của Việt Nam, trong đó có việc cập nhật điều này trong các hội thảo, hội chợ tại các thị trường để các đối tác, công ty du lịch nắm bắt cơ hội và mở rộng hợp tác trong giai đoạn tới. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tập trung xây dựng những sản phẩm tour phù hợp với khách quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Ausralia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.
Còn Công ty Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines – đã tăng đội máy bay lên sáu chiếc trong tháng 9/2023. Cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, công ty đã làm việc với các nhà chức trách hàng không tại khu vực Đông Bắc Á để sớm có chuyến bay thường lệ và chuyến bay thuê chuyến đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Như vậy là du khách quốc tế có thêm sự lựa chọn bay để đến Việt Nam.
Lãnh đạo Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, ngay khi chính sách thị thực mới được công bố, toàn bộ nhân sự của đơn vị đã làm việc với các đối tác để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Từ sau dịch COVID-19, các thị trường nước ngoài đều yêu cầu du lịch Việt Nam phải làm mới sản phẩm, nhưng với chính sách visa mới thì các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng thời gian lưu trú của khách dài hơn để xây dựng chương trình tour.
Ngoài khách du lịch thuần túy thì có nhóm khách công vụ, hội họp. Nhóm khách này ra vào Việt Nam nhiều lần và thường đặt dịch vụ sớm. Khi làm việc với các đối tác thì doanh nghiệp làm du lịch phải thiết kế sản phẩm, dịch vụ dựa trên điều kiện visa - những khách đến từ các quốc gia được miễn visa sẽ hưởng sản phẩm du lịch khác với du khách đến từ các quốc gia được cấp visa có thời hạn. Hiện tại, những tour có thời lượng dài như tour nối tuyến các nước Lào, Campuchia... trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Công ty Lữ hành Vietluxtour đã có kế hoạch đa dạng hoá hơn nữa các tuyến xuyên Việt, tập trung vào đặc trưng văn hoá, ẩm thực và sự độc đáo của điểm đến. Công ty cũng cố gắng điều chỉnh giá và loại hình dịch vụ một cách tối ưu nhất đối với các sản phẩm nghỉ dưỡng, du lịch biển để đáp ứng nhu cầu trong mùa cao điểm của các thị trường khách mục tiêu như châu Âu, Mỹ, Australia... Các tuyến xuyên Việt có thể kéo dài từ 15 - 20 ngày hoặc dài hơn, còn các kỳ nghỉ dưỡng biển thì có thể kéo dài từ 1-2 tháng.
Công ty Du lịch Travelogy trong tháng 8 đã dành thời gian nghiên cứu, chuẩn bị các chương trình kéo dài thời gian lưu trú của du khách quốc tế. Trước đây họ chỉ có 2-3 tuần để đi thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Lào, Campuchia, Việt Nam nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho khách. Hiện tại, nhờ được cấp visa dài hạn hơn nên du khách có thể ở lại Việt Nam nhiều hơn, đi từ Bắc vào Nam hay đến vùng miền núi Đông Bắc, Tây Bắc.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài trong bối cảnh chính sách visa mới, Công ty Du lịch Việt đã lập trình tập trung vào các sản phẩm chuyên đề, các tour du lịch tham quan văn hóa nhiều quốc gia Đông Nam Á hay các loại hình tour nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch y tế./.
- Từ khóa:
- Du lịch Việt Nam
- chính sách visa mới